Tiểu ra máu là một trong những dấu hiệu cảnh báo về các nguy hiểm liên quan đến hệ tiết niệu. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Nó gây ảnh hưởng ra sao?
Mục lục
Tiểu ra máu ở nam giới – Một hiện tượng phổ biến
Tiểu ra máu là tình trạng xuất hiện máu trong nước tiểu, gồm hai loại:
- Tiểu máu vi thể: Máu chỉ có thể phát hiện qua xét nghiệm, nước tiểu trông vẫn bình thường. Khoảng 8,6% nam giới gặp tình trạng này.
- Tiểu máu đại thể: Nước tiểu có màu hồng, đỏ, nâu sẫm hoặc chứa cục máu đông, dễ nhận biết bằng mắt thường. Cứ 1000 nam giới thì có khoảng 21,8 người mắc phải.
Tiểu ra máu có thể do tổn thương đường tiết niệu, tuyến tiền liệt, bộ phận sinh dục hoặc rối loạn chảy máu. Đây là dấu hiệu không nên chủ quan, cần thăm khám sớm để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Tiểu ra máu ở nam giới có nguy hiểm không?
Mức độ nguy hiểm của tình trạng tiểu ra máu sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân, chẳng hạn như:
- Nguyên nhân nguy hiểm, nghiêm trọng: ung thư, nhiễm trùng, chấn thương, bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, hẹp khúc nối bể thận,…
- Nguyên nhân ít nghiêm trọng: phì đại tuyến tiền liệt lành tính, sỏi thận hoặc sỏi bàng quang,…
- Nguyên nhân không nghiêm trọng: ăn một số loại thực phẩm, tập thể dục gắng sức, sử dụng một số loại thuốc,…
Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào, bất kì khi nào bạn nhìn thấy có máu trong nước tiểu, bạn cũng không được chủ quan và tình trạng này cần được đánh giá đầy đủ bởi các bác sĩ, ngay cả khi nó tự khỏi.
Ngoài ra, hãy tìm kiếm chăm sóc y tế ngay lập tức, nếu có các dấu hiệu sau:
- Tiểu ra máu sau chấn thương (té ngã, tai nạn…)
- Sốt, buồn nôn, ói mửa, ớn lạnh hoặc đau ở bụng, bên lưng, hông
- Nước tiểu có cục máu đông
Nguyên nhân nào gây tình trạng tiểu ra máu ở nam giới?
Tiểu ra máu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs) là một trong những lý do phổ biến.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Mặc dù UTIs thường gặp ở phụ nữ, nhưng nam giới cũng có nguy cơ mắc phải khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo, bàng quang và có thể lan đến thận.
Triệu chứng:
- Tiểu gấp, tiểu rắt, tiểu đau buốt
- Nước tiểu đục, mùi hôi
- Đau rát ở niệu đạo
Nếu nhiễm trùng lan đến thận, có thể xuất hiện:
- Đau lưng, đau vùng hông
- Sốt cao, ớn lạnh, buồn nôn, nôn ói
Mức độ nguy hiểm: Nếu không điều trị kịp thời, nhiễm trùng có thể lan rộng, dẫn đến viêm thận, suy thận, thậm chí nhiễm trùng huyết – một tình trạng đe dọa tính mạng.

Sỏi thận hoặc sỏi bàng quang
Sỏi thận và sỏi bàng quang là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tiểu ra máu ở nam giới.
Sỏi hình thành khi nước tiểu chứa quá nhiều khoáng chất như canxi, oxalat, axit uric, nhưng lại thiếu các chất ngăn chặn tinh thể kết dính. Những viên sỏi nhỏ có thể tự đào thải qua đường tiểu, nhưng sỏi lớn có thể mắc kẹt trong thận, bàng quang hoặc niệu quản, gây đau đớn và nhiều biến chứng.
Triệu chứng thường gặp:
- Tiểu ra máu, nước tiểu đục, mùi hôi
- Đau quặn dữ dội ở lưng, mạn sườn, lan xuống bụng dưới và bẹn
- Tiểu buốt, tiểu rắt, bí tiểu
- Sốt, ớn lạnh (nếu có nhiễm trùng).
Mức độ nguy hiểm: Sỏi thận không trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây tắc nghẽn niệu quản, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và suy thận nếu không điều trị kịp thời.

Do thể dục gắng sức
Tiểu ra máu do thể dục gắng sức (Exercise-induced hematuria – EIH) là tình trạng xuất hiện máu trong nước tiểu sau khi tập luyện.
Hiện chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây EIH, nhưng các chuyên gia cho rằng nó có liên quan đến:
- Tập luyện cường độ cao, đặc biệt là các bài tập tác động mạnh
- Mất nước, làm tăng áp lực lên thận và bàng quang
- Ma sát giữa bàng quang và thành bụng khi vận động mạnh
Mức độ nguy hiểm: EIH thường là vô hại và máu sẽ biến mất trong vòng 3 ngày (72 giờ) sau khi tập luyện. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hơn 2 tuần, bạn cần đi khám. Bởi lúc này nó thể là một vấn đề đáng lo ngại.
Phì đại lành tính tuyến tiền liệt
Phì đại tuyến tiền liệt (BPH), còn gọi là u xơ tuyến tiền liệt, là tình trạng tuyến tiền liệt tăng kích thước theo tuổi tác. Đây là một vấn đề phổ biến ở nam giới trung niên và cao tuổi.
Tuyến tiền liệt nằm ngay dưới bàng quang và bao quanh niệu đạo – ống dẫn nước tiểu ra ngoài. Khi tuyến tiền liệt phì đại, nó có thể chèn ép vào bàng quang và niệu đạo, khiến bàng quang phải làm việc nhiều hơn để tống nước tiểu ra ngoài. Điều này có thể dẫn đến tổn thương và chảy máu.
Xem chi tiết: Tuyến tiền liệt ở đâu?
Khi bị phì đại tiền liệt tuyến, người bệnh có thể gặp phải những triệu chứng như:
- Tiểu nhiều lần, đặc biệt vào ban đêm
- Tiểu són, tiểu khó, dòng nước tiểu yếu
- Tiểu ngắt quãng, có cảm giác tiểu chưa hết
Mức độ nguy hiểm: BPH là một tình trạng lành tính, không ảnh hưởng tới tính mạng và không phát triển thành ung thư. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, bệnh có thể gây bí tiểu cấp tính – một tình trạng cần cấp cứu ngay vì có thể đe dọa tính mạng.
Biến chứng do khám, chữa bệnh
Một số thủ thuật y tế có thể gây tổn thương đường tiết niệu và dẫn đến tiểu ra máu, bao gồm:
- Đặt ống thông tiểu
- Phẫu thuật nội soi
- Sinh thiết tuyến tiền liệt qua đường trực tràng
- Xạ trị vùng chậu
- Tán sỏi ngoài cơ thể
Mức độ nguy hiểm: Hầu hết các trường hợp tiểu ra máu sau thủ thuật y tế đều nhẹ và tự biến mất sau một thời gian. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hoặc đi kèm với các triệu chứng bất thường, người bệnh cần đi khám để được kiểm tra.
Lưu ý: Việc đặt ống thông có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu, dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu liên quan đến ống thông. Dấu hiệu của tình trạng này bao gồm tiểu buốt, nước tiểu đục, đau lưng dưới hoặc bụng. Nếu không điều trị kịp thời, nhiễm trùng có thể lan đến thận và gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Viêm cầu thận
Viêm cầu thận là tình trạng viêm nhiễm tại các cầu thận – bộ phận có vai trò lọc máu trong thận. Bệnh có thể xảy ra đột ngột (cấp tính) hoặc kéo dài (mãn tính) với các triệu chứng như:
- Viêm cầu thận cấp tính: Tiểu nhiều lần, bọng mắt, tiểu ra máu, ho do dịch trong phổi, huyết áp cao.
- Viêm cầu thận mãn tính: Tiểu ra máu vi thể, huyết áp cao, sưng mắt cá chân và mặt, tiểu đêm, nước tiểu sủi bọt, đau bụng, chảy máu cam thường xuyên.
Mức độ nguy hiểm: Viêm cầu thận khiến thận hoạt động kém hiệu quả, không thể loại bỏ chất thải và nước dư thừa khỏi cơ thể. Nếu không kiểm soát, bệnh có thể tiến triển thành suy thận, gây cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, sưng phù toàn thân và ảnh hưởng đến thị lực, thính giác.
Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt cũng là nguyên nhân phổ biến gây tiểu ra máu ở nam giới. Thông thường, ung thư tuyến tiền liệt phát triển rất chậm và có thể chỉ cần điều trị tối thiểu hay thậm chí không cần điều trị, tuy nhiên cũng có những loại ung thư phát triển mạnh và lây lan nhanh chóng.
Trong giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng gì. Khi bệnh tiến triển, nam giới có thể thấy một số dấu hiệu tương tự như các triệu chứng của u xơ tuyến tiền liệt, ví dụ:
- Đau âm ỉ ở vùng xương chậu dưới
- Tiểu nhiều lần
- Tiểu khó, căng thẳng khi đi tiểu
- Tiểu không hết
- Tiểu ra máu
- Giảm cân khôn rõ nguyên nhân
- Xuất tinh đau, có máu
- .v.v.
Mức độ nguy hiểm: Ung thư tuyến tiền liệt nếu được phát hiện sớm khi chưa di căn thì cơ hội điều trị thành công là rất cao. Tiên lượng sống trên 5 năm lên tới gần 100%. Nhưng một khi ung thư bắt đầu phát triển nhanh chóng hoặc lan ra ngoài tuyến tiền liệt thì bệnh sẽ trở nên nguy hiểm.
Ung thư bàng quang
Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tiểu ra máu ở nam giới. Bệnh có thể tiến triển chậm hoặc phát triển nhanh và di căn đến các cơ quan khác.
Trong giai đoạn đầu, bệnh thường không có dấu hiệu rõ ràng. Khi tiến triển, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:
- Đau âm ỉ vùng xương chậu dưới
- Tiểu nhiều lần, tiểu khó, tiểu không hết
- Tiểu ra máu
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Xuất tinh đau, có máu
Mức độ nguy hiểm: Ung thư bàng quang có thể lành tính hoặc ác tính. Nếu ác tính, nó có thể đe dọa tính mạng vì tốc độ lây lan nhanh chóng. Triển vọng đối với những người bị ung thư bàng quang giai đoạn 0a (không xâm lấn) là rất tốt, những bệnh nhân ở giai đoạn này có thể được chữa khỏi khi điều trị.
Thực phẩm
Một số thực phẩm có màu đỏ đậm như củ cải đỏ, đậu fava, đại hoàng, các loại quả mọng,… có thể làm nước tiểu chuyển sang màu đỏ hoặc hồng.
Mức độ nguy hiểm: Tình trạng này thường vô hại và sẽ tự biến mất trong vài ngày sau khi cơ thể đào thải hết các sắc tố từ thực phẩm. Tuy nhiên, nếu màu sắc nước tiểu không trở lại bình thường hoặc kèm theo triệu chứng bất thường, bạn nên đi khám để loại trừ các nguyên nhân bệnh lý.

Có cần xét nghiệm thường xuyên để phát hiện tiểu ra máu?
Tiểu ra máu đại thể có thể quan sát được bằng mắt thường, vì vậy nếu gặp tình trạng này, bạn cần đi khám sớm.
Đối với tiểu ra máu vi thể, do không thể nhìn thấy, bạn không cần kiểm tra thường xuyên trừ khi thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc ung thư. Nếu thuộc nhóm này, hãy trao đổi với bác sĩ về việc tầm soát ung thư.
Nam giới nên tầm soát ung thư trong các trường hợp:
- Trên 50 tuổi
- Hút thuốc
- Có người thân mắc ung thư
- Làm việc trong môi trường tiếp xúc với hóa chất, thuốc nhuộm…
Chẩn đoán tiểu ra máu ở nam giới
Để xác định nguyên nhân gây tiểu ra máu, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc hỏi người bệnh về triệu chứng và tiền sử bệnh, bao gồm:
- Lần đầu tiên bạn thấy máu trong nước tiểu là khi nào?
- Màu sắc nước tiểu ra sao?
- Nước tiểu có mùi hôi không?
- Có bị đau khi đi tiểu hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng không?
- Có thường xuyên đi tiểu, tiểu gấp không?
- Đang dùng thuốc gì?
- Trước đây có gặp vấn đề về tiết niệu, thận, hoặc có phẫu thuật, chấn thương gần đây không?
- Gần đây có ăn các thực phẩm như củ cải đường, quả mọng hoặc cây đại hoàng không?
Sau đó, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và thực hiện phân tích nước tiểu. Nếu cần thiết, họ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm như:
- Siêu âm bụng để kiểm tra cấu trúc thận và bàng quang
- Xét nghiệm công thức máu để phát hiện nhiễm trùng hoặc rối loạn máu
- Sinh thiết thận nếu nghi ngờ bệnh lý thận
- Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B để tìm nguyên nhân nhiễm trùng
- Xét nghiệm tế bào học nước tiểu để phát hiện tế bào bất thường
- Nuôi cấy nước tiểu để kiểm tra vi khuẩn gây nhiễm trùng
- Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ để đánh giá mức creatinine, protein, canxi và các chất khác
Việc chẩn đoán sớm giúp xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.
Điều trị tiểu ra máu ở nam giới
Việc điều trị tiểu ra máu ở nam giới phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Một số trường hợp tiểu ra máu không do bệnh lý có thể tự khỏi mà không cần can thiệp y tế.
Các phương pháp điều trị chính bao gồm:
Dùng thuốc:
- Kháng sinh nếu nguyên nhân là nhiễm trùng đường tiết niệu
- Thuốc giảm viêm, thuốc ức chế miễn dịch nếu do bệnh lý viêm cầu thận
- Thuốc cầm máu hoặc điều chỉnh rối loạn đông máu nếu liên quan đến bệnh về máu
- Thuốc điều trị phì đại tuyến tiền liệt để cải thiện triệu chứng rối loạn tiểu tiện…
Thay đổi lối sống:
- Uống đủ nước để giúp làm sạch hệ tiết niệu
- Hạn chế rượu bia, cà phê và các thực phẩm có thể kích thích bàng quang
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, giảm muối để hỗ trợ chức năng thận.
Phẫu thuật:
- Loại bỏ sỏi thận nếu sỏi gây chảy máu hoặc tắc nghẽn đường tiết niệu
- Can thiệp ngoại khoa đối với ung thư hoặc u tuyến tiền liệt gây tiểu ra máu
- Phẫu thuật cầm máu nếu có tổn thương mạch máu nghiêm trọng.
Quan trọng nhất là xác định đúng nguyên nhân để có hướng điều trị phù hợp và hiệu quả.
☛ Xem thêm: Tiểu ra máu uống thuốc gì?
Kết luận
Tiểu ra máu ở nam giới là một tình trạng không hiếm gặp và do nhiều nguyên nhân gây ra. Có những nguyên nhân vô hại và cũng có những nguyên nhân thực sự nghiêm trọng. Vì thế, bạn không nên bỏ qua nếu thấy nước tiểu của mình có máu, hãy đi khám sớm để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời.