Tiểu nhỏ giọt khiến nam giới cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tiềm ẩn. Vậy nguyên nhân do đâu? Khi nào cần thăm khám? Hãy cùng tìm hiểu ngay!
Mục lục
Tiểu nhỏ giọt là triệu chứng bệnh gì?
Tiểu nhỏ giọt là tình trạng nước tiểu chảy ra từng giọt, không thành dòng liên tục, khiến người bệnh có cảm giác đi tiểu nhiều lần nhưng không hết. Triệu chứng này thường đi kèm với tiểu buốt, bí tiểu, đau vùng bụng dưới hoặc cảm giác căng tức bàng quang. Nếu kéo dài, nó có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, gây khó chịu và tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể.
Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu liên quan đến các bệnh lý về hệ tiết niệu và tuyến tiền liệt:
- Viêm tuyến tiền liệt: Thường gặp ở nam giới trung niên và cao tuổi, viêm tuyến tiền liệt gây sưng viêm, chèn ép niệu đạo, dẫn đến tiểu khó, tiểu nhỏ giọt và cảm giác đau rát khi tiểu.
- Phì đại tuyến tiền liệt: Khi tuyến tiền liệt phì đại, nó sẽ gây áp lực lên niệu đạo, làm cản trở dòng chảy của nước tiểu, gây tiểu nhỏ giọt, tiểu yếu, thậm chí bí tiểu.
- Viêm bàng quang: Nhiễm trùng bàng quang có thể gây kích thích và viêm sưng, làm giảm khả năng co bóp và tống xuất nước tiểu, dẫn đến tiểu nhỏ giọt kèm đau rát.
- Tổn thương niệu đạo: Niệu đạo bị viêm, chấn thương hoặc hẹp do sẹo xơ có thể cản trở dòng nước tiểu, gây tiểu khó và tiểu không hết.
- Ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư bàng quang: Các khối u có thể chèn ép đường tiểu, khiến nước tiểu khó thoát ra ngoài, dẫn đến tiểu nhỏ giọt, tiểu lắt nhắt, có thể kèm theo tiểu ra máu.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu có thể gây viêm nhiễm, sưng tấy, dẫn đến tiểu đau, tiểu nhỏ giọt và cảm giác buốt rát.
- Sỏi bàng quang hoặc sỏi niệu đạo: Sỏi có thể làm tắc nghẽn đường tiểu, khiến dòng nước tiểu bị gián đoạn, gây ra hiện tượng tiểu ngắt quãng, nhỏ giọt.
Để xác định chính xác nguyên nhân gây ra vấn đề tiểu nhỏ giọt ở nam giới, cần phải có sự xét nghiệm của bác sĩ tại các cơ sở y tế uy tín cùng trang thiết bị đầy đủ. Từ đó, tùy theo nguyên nhân bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị thuận lợi cho bệnh nhân như: nội khoa (dùng thuốc), ngoại khoa (phẫu thuật),…
Cần làm gì khi bị tiểu nhỏ giọt?
Tiểu nhỏ giọt không chỉ gây phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày mà còn có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng. Nếu tình trạng này kéo dài, nam giới nên chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Mặc dù tiểu nhỏ giọt có thể khiến nhiều người e ngại khi chia sẻ với bác sĩ, nhưng việc thăm khám là cần thiết, đặc biệt trong các tình huống sau:
- Ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc: Nếu tình trạng tiểu nhỏ giọt khiến bạn cảm thấy khó chịu, mất tự tin hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hãy sớm đi kiểm tra.
- Kèm theo các triệu chứng khác: Nếu có dấu hiệu tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều lần, bí tiểu hoặc cảm giác tiểu không hết, rất có thể bạn đang gặp vấn đề về tuyến tiền liệt, bàng quang hoặc đường tiết niệu.
- Nguy cơ té ngã ở người cao tuổi: Người lớn tuổi bị tiểu nhỏ giọt thường phải đi tiểu nhiều lần trong đêm, gây mất ngủ và tăng nguy cơ té ngã khi di chuyển vội vàng.
- Dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng: Nếu tiểu nhỏ giọt kèm theo tiểu ra máu, đau vùng bụng dưới hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân, có thể đây là dấu hiệu của ung thư bàng quang hoặc ung thư tuyến tiền liệt.
Các bước xử lý khi bị tiểu nhỏ giọt
Nếu gặp tình trạng tiểu nhỏ giọt, người bệnh cần bình tĩnh, thực hiện các biện pháp sau để giảm triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn:
1. Đi khám tại cơ sở y tế uy tín
Việc thăm khám giúp phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm, tránh biến chứng.
Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm như siêu âm, xét nghiệm nước tiểu, nội soi bàng quang hoặc đo lưu lượng nước tiểu để xác định nguyên nhân.
2. Điều chỉnh thói quen sinh hoạt
- Uống đủ nước (1,5 – 2 lít/ngày) để tránh cô đặc nước tiểu, giảm kích thích bàng quang.
- Ăn nhiều rau xanh, các loại củ quả tươi. Nên ăn một số loại thực phẩm có tác dụng cải thiện bệnh trong dân gian như: sắn dây, bí xanh, mề gà,…
- Hạn chế tiêu thụ rượu bia, cà phê, đồ uống có ga, thực phẩm cay, nóng, đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ… vì chúng có thể gây kích thích niệu đạo.
- Đi tiểu đúng giờ, không nhịn tiểu để tránh làm tổn thương bàng quang.
- Tập bài tập Kegel giúp cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang.
3. Điều trị theo chỉ định của bác sĩ
- Điều trị nội khoa: Nếu tiểu nhỏ giọt do viêm tuyến tiền liệt, viêm bàng quang hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh, thuốc giãn cơ trơn hoặc thuốc chống viêm.
- Điều trị ngoại khoa: Trường hợp tiểu nhỏ giọt do sỏi bàng quang, hẹp niệu đạo hoặc u tuyến tiền liệt, bác sĩ có thể chỉ định tán sỏi, nong niệu đạo hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối u.
4. Tập thể dục và duy trì cân nặng hợp lý
Thừa cân có thể làm tăng áp lực lên bàng quang và tuyến tiền liệt, khiến tình trạng tiểu khó nặng hơn.
Để cải thiện chức năng bàng quang, đồng thời duy trì sức khỏe tổng thể, bạn có thể áp dụng các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga…
Lời khuyên của bác sĩ cho người bị tiểu nhỏ giọt
Tiểu nhỏ giọt do bệnh lý hay do căng thẳng thì vẫn cần phải tự phòng tránh để không xảy ra các biến chứng khi quá muộn.Dưới đây là một số lời khuyên giúp cải thiện sức khỏe hệ tiết niệu:
- Chú ý giữ gìn vệ sinh xung quanh bộ phận sinh dục, tránh các thương tổn, xước da gây nhiễm trùng.
- Không nên nhịn tiểu quá lâu với tần suất nhiều lần trong ngày.
- Giữ tâm lý vui vẻ, để cơ thể được nghĩ ngơi, thư giãn, tránh làm việc hay vận động quá sức và những yếu tố gây tiêu cực.
- Đi khám định kì từ 3-6 tháng một lần, nhất là đối với những nam giới đã cao tuổi.
Đọc thêm: Điều trị bí tiểu
Kết luận
Tiểu nhỏ giọt không chỉ gây bất tiện mà còn có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm. Nếu tình trạng này kéo dài hoặc đi kèm các triệu chứng bất thường, nam giới nên sớm đi khám để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp. Chủ động chăm sóc sức khỏe tiết niệu giúp ngăn ngừa biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Xin hỏi: tôi đi tiểu bình thường, nhưng sau mỗi lần đi tiểu xong. Lại cảm thấy nó ko dứt mà còn rịn ra thêm vài giọt. Vậy là chứng bệnh gì? Xin bs tư vấn giùm ạ?