Khó tiểu khiến người bệnh không thoải mái khi đi tiểu, dòng nước tiểu yếu, ngắt quãng hoặc có cảm giác căng tức khi tiểu tiện. Đây có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe. Nếu không được xử lý kịp thời, có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến khó tiểu? Cách điều trị ra sao?
Mục lục
Khó tiểu là bệnh gì?
Khó tiểu (tiểu khó, bí tiểu) là tình trạng khó khăn khi đi tiểu, kèm theo cảm giác đau rát, buốt, châm chích hoặc khó chịu. Đây có thể là dấu hiệu của bàng quang kích thích và thường đi kèm tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu rắt.
Bệnh có thể gặp ở cả nam và nữ, phổ biến nhất trong độ tuổi 20 – 55.
Nguyên nhân, triệu chứng tiểu khó
Tiểu khó có thể do nhiều bệnh lý khác nhau gây ra. Mỗi nguyên nhân thường đi kèm với các triệu chứng khác. Cụ thể:
Viêm bể thận
Viêm bể thận hay nhiễm trùng đường tiết niệu trên là tình trạng nhiễm trùng thận, thường do vi khuẩn từ bàng quang di chuyển lên. Bệnh phổ biến hơn ở phụ nữ và các đối tượng đặc biệt như: phụ nữ mang thai, nam giới bị phì đại tiền liệt tuyến, người mắc tiểu đường, sỏi thận, người có chức năng bàng quang bất thường…
Khó tiểu do viêm bể thận có thể kèm theo các triệu chứng khác như:
- Sốt cao từ 38.9°C
- Đau lệch một bên ở vùng bụng, lưng, bên hông, bẹn
- Tiểu đau, tiểu rát
- Tiểu dắt, tiểu gấp
- Nước tiểu đục, có mùi tanh
- Nước tiểu lẫn mủ hoặc máu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu dưới
Nhiễm trùng đường tiết niệu dưới (viêm bàng quang, nhiễm trùng bàng quang) xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập qua niệu đạo và gây nhiễm trùng bàng quang. Phụ nữ dễ mắc bệnh hơn nam giới do niệu đạo ngắn và dễ tổn thương khi quan hệ tình dục.
Triệu chứng thường gặp:
- Đi tiểu nhiều lần
- Nước tiểu đục, có thể lẫn máu
- Nước tiểu có mùi hôi
- Người bệnh có thể bị sốt, đau ở cơ quan sinh dục
- Đau lưng, người mệt mỏi.
Do các bệnh về tuyến tiền liệt (ở nam giới)
Tuyến tiền liệt nằm dưới bàng quang, bao quanh niệu đạo sau. Khi mắc các bệnh lý như viêm tuyến tiền liệt, u xơ tuyến tiền liệt (tăng sản tuyến tiền liệt lành tính), ung thư tuyến tiền liệt, tuyến này có thể phình to, gây chèn ép niệu đạo và dẫn đến tiểu khó.
Các triệu chứng kèm theo có thể bao gồm:
Ngoài bí tiểu, đi tiểu đau đớn, bệnh về tuyến tiền liệt còn kèm theo một số triệu chứng khác như:
- Tiểu nhiều lần, tiểu gấp
- Tiểu khó, tiểu yếu, dòng nước tiểu ngắt quãng
- Tiểu rắt, tiểu đêm, bí tiểu
- Đau khi tiểu hoặc sau khi xuất tinh
- Nước tiểu có màu sắc, mùi bất thường.
Khó tiểu ở nam giới do viêm niệu đạo
Viêm niệu đạo là tình trạng viêm, sưng ở niệu đạo, gây đau và khó chịu. Nguyên nhân có thể do: Thông tiểu, tiếp xúc với hóa chất kích thích (thuốc sát khuẩn, xà phòng, chất diệt tinh trùng…), bệnh lây qua đường tình dục (lậu, chlamydia, herpes…).
Triệu chứng thường gặp:
- Dương vật sưng đỏ, ngứa, tiết dịch nhầy bất thường
- Đau khi quan hệ
- Cảm giác nóng rát ở niệu đạo
- Tiểu buốt, tiểu rát, khó tiểu
- Sốt, buồn nôn…
Viêm âm đạo gây tiểu khó ở nữ giới
Bệnh viêm âm đạo là hiện tượng âm đạo bị viêm nhiễm, đau rát. Có thể xảy ra do sự xâm nhập và gây bệnh của vi khuẩn hoặc nấm hoặc bệnh lây qua đường tình dục (STI).
Triệu chứng khác:
- Dịch tiết âm đạo có mùi hôi, màu bất thường
- Bị đau khi giao hợp
- Ngứa, châm chích ở âm hộ
Chảy máu âm đạo nhẹ
Viêm bàng quang kẽ
Viêm bàng quang kẽ hay hội chứng đau bàng quang là tình trạng kích thích bàng quang mãn tính kéo dài trên 6 tuần mà không có nhiễm trùng.
Sự kích thích bàng quang mãn tính gây các triệu chứng:
- Tiểu đau, tiểu khó
- Tiểu nhỏ giọt, tiểu rắt
- Đi tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu ít
- Cảm giác áp lực vùng bàng quang
- Đau khi quan hệ
- Đau vùng âm hộ, âm đạo (ở nữ) hoặc bìu, bộ phận sinh dục (ở nam)
Ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang xảy ra khi các tế bào bàng quang đột biến và phát triển thành khối u. Triệu chứng sớm thường là có máu trong nước tiểu, trong khi tiểu khó thường xuất hiện ở giai đoạn tiến triển.
Triệu chứng ung thư bàng quang dễ gặp ở giai đoạn 2, 3:
- Đi tiểu nhiều lần, khó tiểu, dòng nước tiểu yếu
- Đau lưng, đau vùng bụng trên
- Mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân
- Ăn không ngon, chán ăn
- Đau xương, sưng chân.
Sỏi thận
Sỏi thận hình thành do sự lắng đọng canxi hoặc axit uric trong thời gian dài. Khi sỏi di chuyển xuống niệu quản – vị trí nước tiểu chảy từ thận xuống bàng quang – có thể gây cản trở dòng chảy của nước tiểu, dẫn đến tiểu khó.

Ngoài chứng khó tiểu, sỏi thận có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Đau lưng, đau vùng bên hông
- Nước tiểu hồng, nâu hoặc đục bất thường
- Lượng nước tiểu ít, cảm giác buồn tiểu nhưng khó đi
- Buồn nôn, nôn
- Cơn đau thay đổi theo kích thước sỏi
- Sốt, ớn lạnh…
Khó tiểu cần đi khám bác sĩ khi nào?
Hãy xếp thời gian và đến thăm khám bác sĩ khi bị khó tiểu kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng dưới đây:
- Có máu trong nước tiểu (màu hồng, nâu hoặc đỏ tươi – dấu hiệu nghiêm trọng).
- Đau vùng xương chậu hoặc lưng, đặc biệt khi cơn đau kéo dài trên 24 giờ.
- Dương vật hoặc âm đạo tiết dịch bất thường.
- Sốt cao kèm ớn lạnh. Đây dấu hiệu nhiễm trùng nghiêm trọng.
Cách chẩn đoán bệnh khó tiểu
Để xác định nguyên nhân gây khó tiểu, ngoài việc dựa vào triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ thực hiện một số phương pháp cận lâm sàng sau:
- Khám lâm sàng: Kiểm tra các dấu hiệu viêm âm đạo, viêm niệu đạo…
- Xét nghiệm nước tiểu: Đánh giá lượng bạch cầu, hồng cầu để xác định viêm bàng quang, sỏi hoặc ung thư bàng quang.
- Siêu âm: Kiểm tra kích thước tuyến tiền liệt, tình trạng bàng quang và phát hiện sỏi thận (nếu có).
- Đo chỉ số PSA trong máu: Nếu PSA > 10 ng/ml, người bệnh có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt; PSA < 4 ng/ml cho thấy có thể bị u xơ hoặc viêm tuyến tiền liệt. Cần sinh thiết tuyến tiền liệt giúp chẩn đoán chính xác hơn.
- Chụp X-quang, CT hoặc MRI: Xác định nguyên nhân do sỏi hoặc các bệnh lý khác của đường tiết niệu.
Cách chữa trị bệnh tiểu khó
Tùy vào nguyên nhân gây khó tiểu, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp. Một số phương pháp phổ biến gồm:
Đặt ống thông tiểu

Khi lượng nước tiểu ứ đọng trong bàng quang quá nhiều nhưng bệnh nhân không thể tự tiểu tiện, bác sĩ có thể chỉ định đặt ống thông tiểu để dẫn nước tiểu ra ngoài. Phương pháp này giúp:
- Giảm căng tức, đau bụng do bàng quang đầy nước tiểu.
- Giảm số lần mót tiểu nhưng không thể đi được.
- Tránh nguy cơ nhiễm trùng hoặc tổn thương bàng quang do ứ tiểu kéo dài.
Việc đặt ống thông tiểu có thể thực hiện ngắn hạn hoặc dài hạn tùy tình trạng bệnh nhân.
Chữa trị khó tiểu bằng thuốc
Điều trị khó tiểu bằng thuốc thường áp dụng cho trường hợp viêm nhiễm hoặc phì đại tuyến tiền liệt nhẹ. Tuy nhiên, thuốc cần được bác sĩ kê đơn để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Dưới đây là một số nhóm thuốc thường dùng theo từng nguyên nhân:
- Viêm bể thận do vi khuẩn: Kháng sinh Quinolone, Aminoglycoside + Ampicillin, Cephalosporin thế hệ 3, Piperacillin.
- Viêm bàng quang: Kháng sinh Quinolone, Cephalosporin, Trimethoprim-sulfamethoxazole (Bactrim), Nitrofurantoin, Amoxicillin.
- Viêm tuyến tiền liệt: Kháng sinh Quinolone, Doxycycline, Trimethoprim-sulfamethoxazole.
- Phì đại tuyến tiền liệt: Thuốc chẹn Alpha-1, Finasteride (Proscar), có thể kết hợp liệu pháp tăng thân nhiệt hoặc phẫu thuật nếu cần.
- Viêm niệu đạo do vi khuẩn (Neisseria gonorrhoeae, Chlamydia trachomatis): Kháng sinh Macrolide, Quinolone, Ceftriaxone (Rocephin) + Doxycycline (Vibramycin).
- Viêm âm đạo do Herpes: Thuốc Acyclovir (Zovirax), Famciclovir (Famvir), Valacyclovir (Valtrex).
- Sỏi thận: Uống nhiều nước, kết hợp thuốc tán sỏi để làm nhỏ kích thước sỏi.
- Ung thư bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt: Điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị, hóa trị tùy giai đoạn bệnh.
Phẫu thuật

Phương pháp này thường áp dụng với người bệnh khó tiểu do các khối u lành tính hoặc ác tính. Cụ thể:
- Với khối phì đại tuyến tiền liệt lành tính: Khi thuốc không hiệu quả, phẫu thuật giúp thu nhỏ hoặc loại bỏ khối u xơ.
- Với khối ung thư (ung thư tuyến tiền liệt; ung thư bàng quang): Ở giai đoạn sớm, phẫu thuật có thể loại bỏ hoàn toàn khối ung thư. Nếu phát hiện muộn, có thể cần kết hợp xạ trị, hóa trị thay vì phẫu thuật.
Xạ trị
Đây là phương pháp dùng các tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt khối ung thư giúp làm teo nhỏ kích thước khối ung thư cũng như làm chậm quá trình phát triển bệnh. Xạ trị có thể thực hiện ở mọi giai đoạn của bệnh ung thư
Hóa trị
Là dùng thuốc đặc trị ung thư truyền vào cơ thể người bệnh nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư đã di căn trên toàn cơ thể; làm giảm các triệu chứng giúp người bệnh dễ chịu hơn. Hóa trị thường được áp dụng sau xạ trị nhằm tiêu diệt đa số các tế bào ung thư còn sót lại trên cơ thể người bệnh.
Một số thói quen tốt người mắc khó tiểu nên biết
Bên cạnh việc điều trị khó tiểu bằng thuốc thì một số thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống hàng ngày cũng giúp hỗ trợ cải thiện khó tiểu như:
- Chế độ ăn uống hợp lý: Bổ sung đủ protein, rau xanh, chất xơ; hạn chế đồ cay, ngọt nhân tạo, thực phẩm nhiều gia vị.
- Tránh đồ uống kích thích: Không uống rượu bia, cà phê, trà đặc, nước có gas.
- Bổ sung vitamin C đúng cách: Dùng liều lượng phù hợp, tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có bệnh lý về thận.
- Luyện tập thể thao: Giúp nâng cao sức khỏe, giảm căng thẳng.
- Chọn trang phục phù hợp: Tránh mặc đồ bó sát để giảm kích thích gây buồn tiểu.
- Giảm căng thẳng, stress: Giữ tinh thần thoải mái giúp hệ tiết niệu hoạt động tốt hơn.
- Vệ sinh cá nhân đúng cách: Đi tiểu sau quan hệ, vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước và sau khi quan hệ để tránh nhiễm khuẩn.
Kết luận
Khó tiểu là tình trạng phổ biến và có thể điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm. Vì vậy, hãy chủ động thăm khám khi có dấu hiệu bất thường để tránh biến chứng. Nếu cần tư vấn thêm, bạn có thể liên hệ tổng đài miễn cước 1800.1258 để được hỗ trợ nhanh nhất.