Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ nằm trong hệ thống sinh sản của nam giới. Khi tuyến này có vấn đề, bạn có thể thấy đau kèm theo nhiều triệu chứng tiết niệu khác. Vậy đau tuyến tiền liệt có thể là dấu hiệu của những bệnh gì? có nguy hiểm không?
Mục lục
Cảm giác đau tuyến tiền liệt là thế nào?
Tuyến tiền liệt thuộc hệ sinh sản ở nam giới, nằm phía dưới bàng quang và bao quanh niệu đạo, có chức năng tạo ra chất lỏng tinh dịch khi nam giới xuất tinh.
Đau tuyến tiền liệt người bệnh sẽ có cảm giác như “có một quả bóng gôn” đang chèn vào khu vực này, gây nhiều khó chịu, đau đớn, đặc biệt là lúc ngồi. Không chỉ tại tuyến tiền liệt, cảm giác đau còn có thể xuất hiện ở các vùng xung quanh khác, như: vùng háng, cơ quan sinh dục, hậu môn, trực tràng, tầng sinh môn, vùng thượng đòn (phía trên dương vật), bàng quang, bẹn,…
Kèm theo đó, người bệnh có thể gặp phải các vấn đề liên quan tới tiểu tiện, thường gặp là:
- Khó tiểu hoặc cảm thấy căng thẳng khi đi tiểu
- Thường xuyên đi tiểu
- Tiểu khẩn cấp
- Đau rát khi đi tiểu
- Đau khi đi tiêu
- Đau khi quan hệ tình dục hoặc khi xuất tinh
- Có máu trong tinh dịch
- Rối loạn chức năng tình dục
- .v.v.

☛ Xem thêm: Tuyến tiền liệt là gì? – Kiến thức nam giới
Đau tuyến tiền liệt là dấu hiệu bệnh gì?
Đau tuyến tiền liệt là một triệu chứng thường xảy ra khi một người bị viêm tuyến tiền liệt. Người ta đã xác định được 4 loại viêm tuyến tiền liệt khác nhau, trong đó có 3 loại có thể gây đau tuyến tiền liệt, đó là:
- Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn: Xảy ra sau sinh thiết tuyến tiền liệt, đặt ống thông tiểu hoặc nội soi bàng quang. Vi khuẩn xâm nhập qua niệu đạo, đường bạch huyết hoặc máu.
- Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn: Thường do nhiễm trùng đường tiết niệu kéo dài hoặc tái phát sau viêm cấp tính. Thủ phạm thường là vi khuẩn E. coli hoặc Enterobacteriaceae gram âm.
- Viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do vi khuẩn (CPPS): Loại phổ biến nhất (90% ca mắc), gây đau và sưng nhưng không có dấu hiệu nhiễm trùng. Nguyên nhân có thể do kích thích dây thần kinh vùng chậu, đau cơ xơ hóa, viêm ruột, táo bón,…

Đau tuyến tiền liệt có nguy hiểm không?
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn xảy ra đột ngột và rất nghiêm trọng. Nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời, nó có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân. Vì thế, nếu bị đau tuyến tiền liệt kèm theo các triệu chứng dưới đây, hãy nhập viện càng sớm càng tốt:
- Bị sốt/ớn lạnh
- Nôn hoặc buồn nôn
- Đi tiểu đau
- Tiểu ra máu hoặc có máu trong tinh dịch
- Nước tiểu có mùi hôi
- Xuất tinh đau
- Khó chịu khi đi tiểu
- .v.v.
Viêm tuyến tiền liệt mãn tính không gây nguy hiểm tới tính mạng, nhưng nó có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống. Chẳng hạn như:
- Hạn chế hoạt động thường ngày: Cơn đau khiến bệnh nhân mất hứng thú với công việc, tình dục và sở thích, thậm chí ngại vận động, dễ dẫn đến cứng khớp và giảm khả năng di chuyển.
- Tác động đến tâm lý: Đau dai dẳng có thể gây lo âu, tự ti, thậm chí dẫn đến suy nhược thần kinh hoặc trầm cảm.
- Rối loạn giấc ngủ: Đau và khó chịu làm giấc ngủ kém chất lượng, kéo dài có thể gây căng thẳng, suy giảm trí nhớ, tăng nguy cơ tim mạch và tiểu đường.
- Ảnh hưởng đến các mối quan hệ: Tâm trạng khó chịu, dễ cáu gắt và hạn chế giao tiếp có thể tác động xấu đến quan hệ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, thậm chí ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng và việc nuôi dạy con cái.

Điều trị đau tuyến tiền liệt
Điều trị bằng thuốc
Để điều trị viêm tuyến tiền liệt, bác sĩ thường kê kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân. Một số loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị là:
– Thuốc kháng sinh. Được kê nhằm mục đích tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nhiễm tuyến tiền liệt. Có nhiều loại kháng sinh khác nhau, bác sĩ sẽ kê đơn dựa trên loại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Thuốc thường được dùng dạng uống, nhưng nếu các triệu chứng nghiêm trọng, bạn có thể cần dùng kháng sinh đường tiêm.
– Thuốc chống viêm. Thường là aspirin hoặc NSAID, giúp làm giảm các triệu chứng đau.
– Thuốc chẹn alpha. Thuốc chẹn alpha được sử dụng chủ yếu để điều trị phì đại tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, chúng cũng có thể được kê đơn để điều trị đau do viêm tuyến tiền liệt. Bởi nó có thể làm thư giãn các cơ trong đường tiết niệu, giúp việc đi tiểu trở nên dễ dàng hơn từ đó làm giảm rối loạn chức năng tiết niệu.
– Các loại thuốc khác. Giúp hỗ trợ giảm đau, thư giãn cơ:
- Thuốc giãn cơ
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng
- Thuốc giảm đau theo toa

Điều trị không dùng thuốc
Các phương pháp điều trị không dùng thuốc có thể làm giảm cơn đau tuyến tiền liệt gồm:
- Tắm nước ấm
- Châm cứu
- Tập các bài tập thư giãn
- Sử dụng đệm hoặc gối khi ngồi trong thời gian dài
- Liệu pháp xoa bóp
- Tránh thức ăn cay, caffein và rượu
- .v.v.
Phòng ngừa đau tuyến tiền liệt
Đau tuyến tiền liệt (hay viêm tuyến tiền liệt) không thể ngăn ngừa 100% được. Tuy nhiên, bạn vẫn có có thể thực hiện theo một vài lời khuyên dưới đây để giữ cho tuyến tiền liệt khỏe mạnh, hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Thay vì tập trung vào các loại thực phẩm cụ thể, các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ khuyên bạn nên xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh tổng thể, gồm;
- Ăn ít nhất năm phần trái cây và rau mỗi ngày;
- Chọn bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc nguyên hạt thay vì bánh mì trắng;
- Hạn chế tiêu thụ thịt đỏ và các loại thịt đã qua chế biến (xúc xích, giăm bông, thịt xông khói).
- Bổ sung protein từ cá, thịt gia cầm không da, đậu và trứng;
- Chọn chất béo có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như dầu ô liu, dầu từ các loại hạt (hạnh nhân, óc chó, hồ đào) và quả bơ. Hạn chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa có trong nhiều loại thức ăn nhanh và thức ăn đóng gói;
- Tránh đồ uống có nhiều đường, chẳng hạn như sô-đa và nhiều loại nước trái cây đóng hộp. Thỉnh thoảng có thể ăn đồ ngọt;
- Không ăn mặn.

Tập thể dục để hỗ trợ sức khỏe tuyến tiền liệt
Ngoài việc ăn uống lành mạnh, bạn nên vận động thể chất. Tập thể dục thường xuyên giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tuyến tiền liệt, trong đó có đau tuyến tiền liệt và cả các tình trạng sức khỏe khác, như bệnh tim, đột quỵ và một số loại ung thư.
Bài tập Kegel
Bạn có thể nghĩ rằng Kegel chỉ dành cho phụ nữ. Nhưng những bài tập này cũng giúp nam tăng cường các cơ ở vùng sàn chậu, từ đó kiểm soát các triệu chứng tiết niệu tốt hơn.
Để thực hiện bài tập Kegel, hãy siết chặt bàng quang của bạn giống như bạn đang cố gắng ngăn dòng chảy của nước tiểu và giữ trong 5 giây. Làm vậy 2-3 lần, tập 10 đến 20 Kegel mỗi ngày.
Giảm căng thẳng
Căng thẳng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tuyến tiền liệt. Trên thực tế, một số nam giới đã vô tình siết chặt cơ vùng chậu khi căng thẳng. Sự thắt chặt này nếu kéo dài có thể tạo ra các vấn đề về cơ sàn chậu và có thể là một trong những nguyên nhân gây đau tuyến tiền liệt. Ngoài ra, căng thẳng còn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng như tiểu gấp, tiểu nhiều, tần suất và đau.
Vì thế, bạn nên tìm cách kiểm soát mức độ căng thẳng của bản thân và chăm sóc sức khỏe cảm xúc. Một số kỹ thuật giải tỏa căng thẳng mà bạn có thể tìm hiểu là: thiền, hít thở sâu, tập thể dục, yoga hoặc thái cực quyền.
Điều quan trọng là, đừng tự cô lập mình nếu bạn gặp các vấn đề về tuyến tiền liệt. Hãy duy trì các mối quan hệ và tâm sự với người mà bạn tin tưởng về sự thất vọng, sợ hãi và nỗi đau của bạn. Bạn cũng có thể tham gia một số hội nhóm để được chia sẻ nhiều hơn.
Đau tuyến tiền liệt là triệu chứng có thể xảy ra khi bạn bị viêm tuyến tiền liệt. Nó gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của người mắc. Vì thế, nếu gặp triệu chứng này hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Mọi vấn đề còn thắc mắc, bạn có thể để lại bình luận hoặc gọi tới tổng đài 1800 1258 (miễn phí cước) để được các chuyên gia tư vấn thêm.