Tiểu đêm vốn được xem là bệnh “tuổi già”. Tuy nhiên hiện nay, chúng đang có xu hướng trẻ hóa và ngày càng phổ biến. Vậy đâu là nguyên nhân gây tiểu đêm ở người trẻ tuổi và điều trị bằng cách nào? Hãy cùng Vương Bảo tìm hiểu nhé!
Mục lục
Tiểu đêm ảnh hưởng đến người trẻ như thế nào?
Tiểu đêm hay đa niệu về đêm là hiện tượng một người phải thức dậy nhiều lần vào ban đêm để đi tiểu.
Ở người khỏe mạnh, vào ban đêm, cơ thể điều chỉnh giảm lượng nước tiểu và tăng độ cô đặc nhằm duy trì giấc ngủ trọn vẹn. Tuy nhiên, khi cơ chế này bị rối loạn, ta có thể phải thức dậy 2 – 3 lần hoặc nhiều hơn mỗi đêm để đi tiểu.
Tiểu đêm vốn xuất hiện chủ yếu ở người già, tuy nhiên theo thống kê, tình trạng này cũng xuất hiện ở khoảng 2 – 18% người trong độ tuổi từ 20 đến 40.
Đối với người trẻ, tiểu đêm không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Cụ thể:
- Gián đoạn giấc ngủ: Làm giảm tổng thời gian ngủ, khiến người bệnh khó ngủ lại, giảm chất lượng giấc ngủ, đặc biệt là giấc ngủ REM – giai đoạn phục hồi trí não và tinh thần.
- Suy giảm sức khỏe thể chất: Thiếu ngủ kéo dài có thể gây rối loạn chuyển hóa glucose, tăng nguy cơ tiểu đường, huyết áp cao, và suy giảm miễn dịch.
- Ảnh hưởng tinh thần và hiệu suất công việc: Người trẻ bị tiểu đêm thường mệt mỏi, khó tập trung, hiệu suất làm việc kém, dễ cáu gắt và có nguy cơ cao mắc trầm cảm.

Nguyên nhân gây tiểu đêm ở người trẻ tuổi
Tiểu đêm ở người trẻ có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố, điển hình như:
Bàng quang hoạt động quá mức (OBA)
Đây là nguyên nhân gây tiểu đêm ở người trẻ phổ biến nhất. OAB xảy ra khi bàng quang bị kích thích quá mức, co bóp liên tục kể cả khi lượng nước tiểu chưa đầy. Điều này gây ra cảm giác mót tiểu thường xuyên, kể cả vào ban đêm.
Tình trạng này có thể xuất phát từ các vấn đề như:
- Rối loạn thần kinh (đột quỵ, đa xơ cứng)
- Các bất thường ở bàng quang như sỏi hoặc khối u
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Tình trạng chèn ép bàng quang (phì đại tuyến tiền liệt, táo bón, mang thai…)
Lối sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen hàng ngày tưởng như vô hại cũng có thể khiến người trẻ phải thức dậy nhiều lần vào ban đêm để đi tiểu. Cụ thể:
- Uống quá nhiều nước trước khi ngủ
- Dùng đồ uống lợi tiểu như rượu, cà phê, trà… vào buổi tối
- Các chất này kích thích thận tăng bài tiết nước tiểu, làm tăng tần suất tiểu đêm.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có tác dụng lợi tiểu, khiến lượng nước tiểu tăng lên đáng kể, dẫn đến tiểu đêm. Những nhóm thuốc thường gặp gồm:
- Thuốc lợi tiểu thiazide (chlorothiazide, hydrochlorothiazide…)
- Thuốc giữ kali (eplerenone, triamterene…)
- Thuốc lợi tiểu quai (furosemide, bumetamide…)
Nếu bạn đang dùng các loại thuốc này và gặp tình trạng tiểu đêm, hãy trao đổi với bác sĩ để được điều chỉnh liều hoặc thay đổi thời điểm dùng thuốc phù hợp hơn.
Yếu tố tâm lý
Căng thẳng, lo âu hoặc trầm cảm có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và gây ra tiểu đêm. Ngoài ra, rối loạn giấc ngủ như chứng ngưng thở khi ngủ cũng có thể làm tăng tần suất đi tiểu vào ban đêm.
Bệnh lý
Tiểu đêm ở người trẻ cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý như:
- Tiểu đường: Đường huyết cao khiến thận tăng bài tiết nước tiểu.
- Suy thận mãn tính: Giai đoạn sớm có thể gây tiểu đêm do thận mất khả năng cô đặc nước tiểu.
- Viêm bàng quang – niệu đạo mãn tính: Gây kích thích, đau rát và tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm.
- Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (ở nam giới): Chèn ép cổ bàng quang gây tiểu ngắt quãng và tiểu đêm.
- Chứng ngưng thở khi ngủ: Làm rối loạn hormone chống lợi tiểu, dẫn đến sản xuất nhiều nước tiểu vào ban đêm.
Chẩn đoán
Việc xác định nguyên nhân tiểu đêm ở người trẻ có thể phức tạp, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh, khám lâm sàng và chỉ định một số xét nghiệm cần thiết.
Hỏi bệnh
Bác sĩ có thể đặt một số câu hỏi để đánh giá tình trạng như:
- Lượng nước uống mỗi ngày và thời điểm uống
- Tần suất đi tiểu ngày và đêm, lượng nước tiểu mỗi lần
- Thói quen ăn uống, sử dụng rượu bia, caffeine
- Có cảm giác buồn tiểu gấp, tiểu không tự chủ, đái dầm không
- Thời điểm khởi phát triệu chứng
- Các loại thuốc đang sử dụng
- Tiền sử bệnh cá nhân và gia đình (tiểu đường, bệnh bàng quang…)

Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng bụng, cơ quan sinh dục – tiết niệu, khung chậu hoặc trực tràng để tìm dấu hiệu bất thường.
Xét nghiệm cận lâm sàng
Một số xét nghiệm phổ biến bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra nhiễm trùng hoặc tiểu máu
- Siêu âm bàng quang: Đo lượng nước tiểu tồn dư sau đi vệ sinh
- Đo áp lực bàng quang: Đánh giá khả năng co bóp và lưu trữ nước tiểu
- Xét nghiệm đường huyết: Tầm soát bệnh tiểu đường
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra công thức máu và chức năng thận
- Xét nghiệm khác nếu cần: Huyết động, hệ tiết niệu, nội tiết…
Điều trị tiểm đêm ở người trẻ tuổi
Tùy trường hợp cụ thể, các phương pháp điều trị tiểu đêm ở người trẻ có thể bao gồm:
Khắc phục tại nhà
Việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày là bước đầu tiên và quan trọng giúp kiểm soát chứng tiểu đêm. Những thay đổi đơn giản nhưng đúng cách có thể cải thiện rõ rệt chất lượng giấc ngủ và giảm tần suất đi tiểu vào ban đêm.
- Hạn chế uống nước trước khi ngủ: Tránh uống nhiều nước trong vòng 2-4 giờ trước khi đi ngủ để giảm lượng nước tiểu sản xuất vào ban đêm.
- Tránh đồ uống kích thích: Hạn chế tiêu thụ caffein, rượu và các loại đồ uống có gas vào buổi tối.
- Ăn uống hợp lý: Giảm lượng muối trong khẩu phần ăn và tránh ăn quá no trước khi đi ngủ.
- Tập thể dục đều đặn: Hoạt động thể chất giúp cải thiện chức năng bàng quang và giảm căng thẳng.

Thuốc
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để điều trị tiểu đêm, bao gồm:
- Thuốc kháng cholinergic: Giúp giảm co bóp bàng quang và kiểm soát tiểu đêm.
- Desmopressin: Giảm lượng nước tiểu sản xuất vào ban đêm bằng cách tăng tái hấp thu nước ở thận.
- Thuốc điều trị nguyên nhân cơ bản: Nếu tiểu đêm do bệnh lý như tiểu đường hoặc suy thận, việc kiểm soát bệnh chính là cách điều trị hiệu quả nhất.
Tiêm botox bàng quang
Botox (OnabotulinumtoxinA) là một loại protein chiết xuất từ vi khuẩn. Khi được tiêm với liều lượng nhỏ vào thành bàng quang, Botox giúp làm giãn cơ và giảm co thắt quá mức – nguyên nhân gây ra tiểu đêm không kiểm soát.
Hiệu quả của tiêm Botox có thể kéo dài khoảng 5–6 tháng. Nếu triệu chứng quay lại, có thể cần tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, một số người có thể gặp tác dụng phụ như bí tiểu (khó đi tiểu).

Kích thích thần kinh
Đây là phương pháp điều trị hiện đại giúp cải thiện tín hiệu giữa não và bàng quang thông qua các xung điện nhẹ. Mục tiêu là điều chỉnh hoạt động của bàng quang, giảm tình trạng tiểu đêm do co thắt quá mức.
Hai hình thức phổ biến gồm:
- Kích thích dây thần kinh xương chày (PTNS): Một điện cực nhỏ được đặt gần mắt cá chân để truyền xung điện nhẹ đến dây thần kinh điều khiển bàng quang. Mỗi đợt điều trị thường kéo dài 12 buổi.
- Kích thích thần kinh cùng (SNS): Là thủ thuật cấy thiết bị giống máy tạo nhịp vào cơ thể. Thiết bị này giúp điều chỉnh tín hiệu thần kinh giữa tủy sống và bàng quang, từ đó kiểm soát hoạt động tiểu tiện tốt hơn.

Phẫu thuật
Phẫu thuật chỉ được chỉ định khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả và tình trạng tiểu đêm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống.
Các loại phẫu thuật phổ biến gồm:
- Tăng dung tích bàng quang: Sử dụng một phần ruột để mở rộng thể tích chứa của bàng quang. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể cần sử dụng ống thông tiểu lâu dài để làm trống bàng quang.
- Cắt bỏ bàng quang: Đây là lựa chọn cuối cùng. Sau khi cắt bỏ, người bệnh sẽ được tạo một “bàng quang mới” và dẫn nước tiểu ra túi gắn ngoài cơ thể.
Tiểu đêm ở người trẻ khi nào cần gặp bác sĩ?
Tiểu đêm do nguyên nhân sinh lý thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này lặp lại liên tục và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bạn nên sớm thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Đặc biệt, cần gặp bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu sau:
- Tiểu đêm nhiều hơn 1–2 lần mỗi đêm trong thời gian dài.
- Cảm giác buồn tiểu khẩn cấp, không kiểm soát được.
- Tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm, kèm tiểu rắt hoặc đau buốt.
- Cảm thấy không tiểu hết nước hoặc có dòng tiểu yếu, ngắt quãng.
- Có máu trong nước tiểu, nước tiểu đục hoặc có mùi lạ.
- Cơ thể mệt mỏi, sụt cân bất thường, khô miệng hoặc khát nước quá mức.
- Tiểu đêm đi kèm các bệnh nền như tiểu đường, huyết áp cao hoặc các rối loạn thần kinh.
Kết luận
Tiểu đêm ở người trẻ tuổi không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ mà còn là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe. Việc hiểu rõ nguyên nhân và chủ động theo dõi triệu chứng là điều cần thiết để có hướng điều trị kịp thời.
Trong trường hợp tiểu đêm kéo dài, kèm theo các dấu hiệu bất thường khác, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp, tránh để ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.