Tiểu đêm mất ngủ là một tình trạng phổ biến ở người lớn tuổi. Tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim mạch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng. Vậy tiểu đêm mất ngủ có thực sự nguy hiểm không? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây!
Mục lục
Tiểu đêm gây mất ngủ vì sao?
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với thể chất và tinh thần. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngủ không đủ giấc (dưới 7 – 8 tiếng mỗi đêm) làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức, té ngã, thậm chí rút ngắn tuổi thọ.
Tiểu đêm là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 30% người lớn tuổi và không ít người trẻ. Việc phải thức dậy nhiều lần để đi vệ sinh trong đêm sẽ khiến giấc ngủ sẽ bị gián đoạn, gây ra mệt mỏi, suy giảm trí nhớ và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Đáng lo ngại, có đến 75% người bị tiểu đêm cho biết đây là nguyên nhân chính khiến họ mất ngủ, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống.
Vì vậy, tiểu đêm không chỉ đơn thuần là một triệu chứng mà còn là một vấn đề cần được quan tâm và điều trị sớm để bảo vệ sức khỏe lâu dài.

Tiểu đêm mất ngủ có nguy hiểm không?
Tiểu đêm mất ngủ có thật sự nguy hiểm không? Câu trả lời là CÓ, bởi vì việc mất ngủ kéo dài do tiểu đêm không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của cá nhân mà còn tác động tiêu cực đến cuộc sống gia đình và xã hội. Cụ thể:
Giảm chất lượng cuộc sống
Tiểu đêm khiến giấc ngủ bị gián đoạn, dẫn đến thiếu ngủ mãn tính, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và làm suy giảm hiệu suất ban ngày. Những người bị tiểu đêm thường cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung, giảm trí nhớ và có nguy cơ mắc các bệnh nội khoa cao hơn.
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy tiểu đêm mất ngủ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống:
- Nghiên cứu tại Đài Loan: Trong một khảo sát với 664 người trưởng thành bị tiểu đêm, các nhà khoa học nhận thấy chất lượng cuộc sống giảm tỷ lệ thuận với số lần thức dậy đi vệ sinh ban đêm.
- Tại Hoa Kỳ, 1.214 phụ nữ bị tiểu đêm báo cáo rằng họ cảm thấy chất lượng cuộc sống suy giảm đáng kể do tình trạng này.
- Nghiên cứu tại Thụy Điển: Trong số 203 bệnh nhân bị tiểu đêm, phần lớn cho biết họ bị giảm mức năng lượng và cảm thấy kiệt sức vào ban ngày.

Ảnh hưởng đến hiệu suất công việc
Tiểu đêm mất ngủ không chỉ làm suy giảm sức khỏe mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất làm việc. Mất ngủ khiến cơ thể mệt mỏi, giảm khả năng tập trung, năng suất lao động thấp hơn và số ngày nghỉ ốm tăng lên.
Một khảo sát tại Hoa Kỳ cho thấy, người bị tiểu đêm càng nhiều lần trong đêm thì số ngày nghỉ ốm càng tăng, từ 7,4 ngày (1 lần/đêm) lên đến 36,4 ngày (5-6 lần/đêm). Nghiên cứu khác cũng chỉ ra, hiệu suất công việc suy giảm tỷ lệ thuận với mức độ tiểu đêm, có thể ảnh hưởng đến năng lực và sự ổn định nghề nghiệp.

Nguy cơ tai nạn do tiểu đêm mất ngủ
Thiếu ngủ do tiểu đêm cũng làm tăng nguy cơ tai nạn, đặc biệt là tai nạn giao thông và tai nạn lao động. Cụ thể:
Người thiếu ngủ có phản xạ chậm, giảm khả năng tập trung và dễ buồn ngủ khi lái xe. Nghiên cứu cho thấy, lái xe trong tình trạng thiếu ngủ tương đương với lái xe khi bị ảnh hưởng bởi rượu ở mức độ thấp. Ứớc tính, có đến 60% tai nạn giao thông liên quan đến tình trạng mệt mỏi.
Những người bị mất ngủ do tiểu đêm cũng đối mặt với nguy cơ tai nạn lao động, đặc biệt là ở các ngành nghề đòi hỏi sự tập trung cao như vận hành máy móc hoặc làm việc trong môi trường nguy hiểm.
Nguy cơ ngã và gãy xương
Tiểu đêm mất ngủ khiến người bệnh mệt mỏi, suy giảm phản xạ, dễ mất thăng bằng khi di chuyển vào ban đêm, đặc biệt ở người cao tuổi. Nghiên cứu cho thấy, thức dậy từ 2 lần mỗi đêm trở lên làm tăng gấp 2 lần nguy cơ gãy xương. Do đó, kiểm soát tiểu đêm rất quan trọng để giảm nguy cơ té ngã và các biến chứng nguy hiểm.

Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong
Người bị tiểu đêm mất ngủ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nghiên cứu cho thấy 40% phụ nữ tiểu đêm 3 lần trở lên có sức khỏe kém, so với chỉ 5% ở nhóm không mắc.
Ngoài ra, tiểu đêm còn liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn, ngay cả khi đã kiểm soát các bệnh lý như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch… Điều này cho thấy tiểu đêm không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống mà còn tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể.
Rối loạn tâm trạng
Tiểu đêm mất ngủ có mối liên hệ chặt chẽ với rối loạn tâm trạng, đặc biệt là trầm cảm và suy giảm kiểm soát cảm xúc.
Phụ nữ bị mất ngủ do tiểu đêm có nguy cơ trầm cảm cao gấp 3 lần so với người bình thường. Nghiên cứu trên 5.500 người trưởng thành tại Boston cho thấy tiểu đêm ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, làm giảm khả năng kiểm soát bản thân.
Theo một nghiên cứu tại Hàn Quốc, người tiểu đêm do tiểu đường báo cáo mức năng lượng thấp hơn và suy giảm chức năng hoạt động ban ngày.

Chứng ngưng thở khi ngủ
Tiểu đêm mất ngủ có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ.
- Người bị ngưng thở khi ngủ thường thức giấc đột ngột sau một cơn ngáy, từ đó phát sinh nhu cầu đi tiểu.
- Ngưng thở khi ngủ làm giảm tiết renin và aldosterone trong huyết tương, dẫn đến tăng số lần tiểu đêm.
Ảnh hưởng người thân/người chăm sóc
Mặc dù có rất ít các nghiên cứu xem xét những tác động của tiểu đêm mất ngủ đối với gia đình và người chăm sóc, nhưng những người đã điều tra về vấn đề này liên tục báo cáo những khó khăn đáng kể cho người thân của những người mắc tiểu đêm mất ngủ.
- Gián đoạn giấc ngủ: 46% phụ nữ báo cáo bị đánh thức bởi chồng mắc triệu chứng tuyến tiền liệt.
- Mệt mỏi ban ngày: Một nửa số người thân của nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt lành tính cho biết họ cảm thấy mệt mỏi vào ngày hôm sau.
- Tác động tâm lý: Theo khảo sát tại Hàn Quốc, 36% vợ của bệnh nhân tiểu đêm cảm thấy phiền toái, 60% báo cáo tình trạng mệt mỏi.
- Nguy cơ té ngã ở người cao tuổi: Gia đình phải đối mặt với gánh nặng chăm sóc khi người bệnh gặp chấn thương do tiểu đêm mất ngủ.

Ảnh hưởng tới xã hội
Tiểu đêm mất ngủ có thể tác động tiêu cực đến kinh tế và xã hội với những ảnh hưởng như sau:
- Giảm năng suất lao động: Người mắc tiểu đêm mất ngủ suy giảm hiệu suất công việc hơn 9,2% so với người bình thường.
- Thiệt hại kinh tế: Theo nghiên cứu tại Mỹ, khoảng 28 triệu người mắc tiểu đêm mất ngủ gây tổn thất 61 tỷ USD/năm do mất năng suất lao động và 1,5 tỷ USD cho chi phí y tế liên quan đến té ngã.
- Ảnh hưởng doanh nghiệp: Tiểu đêm mất ngủ có thể làm giảm hiệu suất làm việc, ảnh hưởng đến thu nhập cá nhân và hoạt động kinh doanh.
Mặc dù tại nước ta chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng dựa trên nghiên cứu quốc tế, có thể thấy chứng tiểu đêm mất ngủ gây ảnh hưởng đáng kể đến xã hội.
Cách cải thiện chứng tiểu đêm mất ngủ
Để giảm tình trạng tiểu đêm mất ngủ, bạn cần xác định nguyên nhân và thăm khám sớm để có hướng điều trị phù hợp. Đồng thời, thay đổi một số thói quen sau có thể giúp cải thiện giấc ngủ:
- Lập thời gian biểu khoa học: Duy trì thói quen đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày. Ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày, lý tưởng là từ 10h tối đến 5-6h sáng.
- Tạo không gian ngủ lý tưởng: Sử dụng chăn gối êm ái, giữ nhiệt độ phòng thoải mái. Giảm ánh sáng trong phòng, nhưng có thể đặt một đèn nhỏ bên giường để thuận tiện khi đi vệ sinh.
- Hạn chế thiết bị điện tử trước khi ngủ: Tránh sử dụng điện thoại, tivi, máy tính bảng vì ánh sáng xanh làm giảm hormone melatonin, gây khó ngủ.
- Tập luyện thư giãn trước khi ngủ: Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như kéo giãn cơ, yoga hoặc thiền để thư giãn tinh thần.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế trà, cà phê, rượu bia và nước tăng lực vào buổi tối. Tránh ăn quá no hoặc thực phẩm khó tiêu trước khi ngủ 3-4 giờ.
Ngoài ra, tiểu đêm mất ngủ cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý khác nhau như bệnh tiết niệu, tiểu đường, tim mạch… Do đó khi bị tiểu đêm nhiều lần gây mất ngủ hoặc có các dấu hiệu bất thường, hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được thăm khám và điều trị.
Kết luận
Như vậy, tiểu đêm mất ngủ không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ mà còn gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần, cuộc sống gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, đây là tình trạng có thể kiểm soát được. Việc thay đổi lối sống và áp dụng các biện pháp trị liệu hành vi như hạn chế uống nước vào buổi tối, tránh cafein và rượu, sử dụng thuốc lợi tiểu vào buổi chiều, nâng cao chân vào buổi tối và đi tiểu trước khi ngủ có thể giúp cải thiện đáng kể.
Nếu những biện pháp này không hiệu quả, bệnh nhân có thể cần đến sự hỗ trợ của thuốc theo chỉ định của bác sĩ.