Tiểu són dễ gây cảm giác ngại ngùng, xấu hổ và ảnh hưởng không nhỏ tới công việc, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vậy nguyên nhân gây tiểu són là gì? Làm sao để trị tận gốc? Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé!
Mục lục
Tiểu són là gì? có phổ biến?
Tiểu són (hay són tiểu, đái són) là tình trạng rò rỉ nước tiểu không tự chủ ngay sau khi có cảm giác buồn tiểu. Người bệnh mất khả năng kiểm soát việc nhịn tiểu, thậm chí có thể bị rò rỉ nước tiểu khi hắt hơi, ho mạnh hoặc cười lớn. Mỗi lần són tiểu thường chỉ mất vài giọt, nhưng có thể gây ướt quần, tạo cảm giác khó chịu và mất tự tin trong sinh hoạt hàng ngày.
Són tiểu diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng đến cả nam giới, nữ giới và trẻ em ở các độ tuổi khác nhau.
- Ở phụ nữ: Khoảng 25% – 45% nữ giới từng gặp tình trạng tiểu són. Trong đó: 7% – 37% phụ nữ từ 20-39 tuổi bị són tiểu không thường xuyên, 9% – 39% phụ nữ trên 60 tuổi bị són tiểu hàng ngày.
- Ở nam giới: Tỷ lệ thấp hơn so với nữ giới, khoảng 11% – 34% nam giới lớn tuổi bị són tiểu, trong đó 2% – 11% gặp tình trạng này hàng ngày.
- Ở trẻ em: Theo khảo sát, khoảng 10% trẻ 7, 3% trẻ từ 11-12 và khoảng 1% trẻ 16-17 gặp tình trạng són tiểu hoặc đái dầm (ban đêm).
Lưu ý: Các số liệu trên có thể thay đổi tùy theo nghiên cứu do sự khác biệt về phương pháp thống kê và đối tượng khảo sát.
Biểu hiện và nguyên nhân từng loại tiểu són
Tiểu són được phân thành 5 loại chính. Mỗi loại lại có những biểu hiện đặc trưng khác nhau. Cụ thể như sau:
1. Tiểu són khi tăng áp lực trong bụng
Tiểu són khi tăng áp lực trong bụng xảy ra khi áp lực lên vùng bụng dưới đột ngột gia tăng, chẳng hạn như khi ho, cười lớn, hắt hơi, nâng vật nặng hoặc tập thể thao. Tình trạng này phổ biến nhất ở phụ nữ trẻ và trung niên.
Nguyên nhân:
- Suy yếu cơ vòng niệu đạo và cơ sàn chậu: Khi các cơ này bị tổn thương hoặc suy yếu, khả năng kiểm soát nước tiểu giảm, dẫn đến rò rỉ nước tiểu khi có áp lực tác động.
- Lão hóa: Càng lớn tuổi, cơ sàn chậu và niệu đạo càng suy yếu, khiến niệu đạo dễ mở ra, làm nước tiểu rò rỉ.
- Suy giảm estrogen ở phụ nữ: Khi bước vào giai đoạn mãn kinh, estrogen giảm khiến niêm mạc niệu đạo mỏng đi, vùng chậu giãn ra, làm tăng nguy cơ tiểu són.
- Phẫu thuật tuyến tiền liệt ở nam giới: Ở nam giới, các phẫu thuật liên quan đến tuyến tiền liệt hoặc chấn thương vùng xương chậu có thể gây tổn thương cơ kiểm soát bàng quang, dẫn đến són tiểu.
- Bệnh lý hô hấp mãn tính: Các bệnh gây ho kéo dài như khí phế thũng, xơ nang làm tăng áp lực ổ bụng, từ đó kích thích tiểu són.

2. Són tiểu cấp kì
Són tiểu cấp kỳ xảy ra khi người bệnh có cảm giác buồn tiểu đột ngột, khẩn cấp và không thể kiểm soát, dẫn đến rò rỉ nước tiểu trước khi kịp vào nhà vệ sinh. Tình trạng này thường gây khó chịu, mất tự tin trong sinh hoạt hằng ngày.
Nguyên nhân:
- Bàng quang hoạt động quá mức (OAB): Bàng quang co bóp không kiểm soát ngay cả khi chưa đầy nước tiểu, khiến người bệnh liên tục có cảm giác buồn tiểu.
- Tổn thương thần kinh: Các chấn thương não, cột sống hoặc dây thần kinh điều khiển bàng quang (do tai nạn, tiểu đường hoặc bệnh thần kinh) có thể làm bàng quang co bóp bất thường, gây són tiểu.
- Tâm lý hoảng sợ: Cảm giác sợ hãi tột độ có thể kích thích hệ thần kinh, gây mất kiểm soát bàng quang – hiện tượng này thường được gọi là “sợ đến tè ra quần”.
- Kích thích bàng quang do nhiễm trùng: Viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt hoặc viêm bàng quang có thể gây kích thích, khiến bàng quang co bóp mạnh hơn bình thường.
- Mãn kinh ở phụ nữ: Suy giảm estrogen làm niêm mạc niệu đạo mỏng đi, giảm khả năng kiểm soát bàng quang, dẫn đến són tiểu.
- Tắc nghẽn đường tiết niệu: Sỏi bàng quang, táo bón, phì đại tuyến tiền liệt (ở nam giới) hoặc khối u (hiếm gặp) có thể gây tiểu gấp, tiểu nhiều lần và són tiểu.
3. Tiểu són khi đầy bọng đái
Tiểu són khi đầy bọng đái xảy ra khi nước tiểu rò rỉ liên tục, có thể kèm hoặc không kèm theo cảm giác buồn tiểu. Người bệnh thường cảm thấy bàng quang không bao giờ trống rỗng hoàn toàn.
Tiểu són khi đầy bọng đái dễ gặp ở nam giới hơn phụ nữ, bởi đây thường là dấu hiệu của các bệnh liên quan đến tuyến tiền liệt.
Nguyên nhân chính:
- Bàng quang bị chèn ép: Một số tác nhân gây áp lực lên bàng quang khiến nước tiểu bị ép chảy ra ngoài.
- Bàng quang hoạt động kém: Trái ngược với bàng quang hoạt động quá mức, bàng quang yếu không co bóp đủ mạnh để tống hết nước tiểu ra ngoài. Khi nước tiểu tích tụ quá nhiều, bàng quang căng giãn đến mức mở niệu đạo, gây són tiểu.
- Bàng quang co thắt bất thường: Co thắt bàng quang xảy ra ngẫu nhiên khiến nước tiểu rò rỉ ngoài ý muốn.
Yếu tố nguy cơ:
- Phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới gây cản trở dòng tiểu.
- Sỏi bàng quang, niệu quản gây tắc nghẽn đường tiểu.
- Khối u hoặc mô sẹo làm hẹp niệu đạo.
- Sa tử cung, sa bàng quang ở nữ giới sau sinh.
- Niệu đạo bị gấp khúc, dòng tiểu khó lưu thông.
- Tổn thương dây thần kinh do chấn thương, bệnh lý (tiểu đường, đa xơ cứng, zona…).
- Tác dụng phụ của thuốc gây giảm co bóp bàng quang hoặc mất cảm giác buồn tiểu.

4. Đái són do mất phản xạ
Đái són do mất phản xạ xảy ra khi bàng quang co bóp và nước tiểu rò rỉ mà người bệnh không hề cảm nhận được nhu cầu đi tiểu.
Nguyên nhân là do các dây thần kinh truyền tín hiệu từ bàng quang đến não bị tổn thương nghiêm trọng, khiến chúng không thể truyền đi tín hiệu mót tiểu, từ đó khiến người bệnh “đi tiểu nhưng không hề biết”.
Một số bệnh lý gây đái són mất phản xạ như: đa xơ cứng, chấn thương tủy sống hoặc các chấn thương, tổn thương do phẫu thuật hoặc điều trị xạ trị.
5. Tiểu són hỗn hợp
Tiểu són hỗn hợp là hiện tượng một người vừa bị tiểu són khi tăng áp lực trong bụng đồng thời cũng bị són tiểu cấp kì. Nguyên nhân gây tiểu són hỗn hợp chủ yếu do hội chứng bàng quang hoạt động quá mức (OAB).
Chẩn đoán chứng són tiểu
Để chẩn đoán chứng són tiểu, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm cần thiết nhằm xác định nguyên nhân, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Một số phương pháp khám lâm sàng và xét nghiệm được chỉ định như:.
- Kiểm tra vùng tiết niệu, đo lượng nước tiểu còn sót trong bàng quang.
- Xét nghiệm nước tiểu để phát hiện nhiễm trùng, bệnh lý thận.
- Kiểm tra khả năng rò rỉ nước tiểu khi bàng quang đầy, đo áp lực và thể tích bàng quang.

Khám tiểu són ở đâu?
Nếu bạn bị són tiểu, bạn có thể đi khám tại khoa Sản phụ khoa (với nữ giới) hoặc khoa Thận – Tiết niệu. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và lên kế hoạch điều trị cho bạn. Nếu bạn cần điều trị thêm vấn đề nào, bác sĩ sẽ giới thiệu bạn đến một khoa khác.
Bác sĩ chuyên khoa có thể là bác sĩ tiết niệu – người điều trị các vấn đề về tiết niệu ở cả nam và nữ, hoặc bác sĩ tiết niệu nữ – người được đào tạo chuyên sâu về hệ tiết niệu nữ.
Phương pháp điều trị tiểu són bằng Y khoa
Phương pháp điều trị tiểu són sẽ được bác sĩ chỉ định tùy vào nguyên nhân, mức độ bệnh. Dưới đây là một số phương pháp thường được áp dụng:
1. Điều trị són tiểu bằng thuốc
Một số loại thuốc có tác dụng điều trị tiểu són như:
- Thuốc giãn cơ bàng quang: Giúp thư giãn bàng quang, tăng khả năng chứa nước tiểu.
- Estrogen tại chỗ: Kem bôi, vòng đặt hoặc miếng dán giúp tăng cường cơ niệu đạo, âm đạo.
- Thuốc điều trị phì đại tuyến tiền liệt: Như thuốc chẹn alpha, thuốc ức chế men khử 5-alpha, PDE5,…
2. Đặt vòng nâng Pessary
Pessary là một dụng cụ nhỏ bằng nhựa hoặc silicon, có hình dạng giống chiếc bánh, được đặt vào âm đạo. Dụng cụ này giúp nâng đỡ niệu đạo và thành âm đạo, hỗ trợ cơ sàn chậu, từ đó giảm tình trạng tiểu són.
Có nhiều loại Pessary khác nhau và bác sĩ sẽ là người quyết định loại phù hợp với bạn.
3. Điều trị đái són với tiêm bulking
Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ tiêm một loại vật liệu tổng hợp vào các các mô xung quanh bàng quang và niệu đạo để khiến chúng dày lên. Điều này giúp giữ niệu đạo đóng lại và giảm lượng nước tiểu rò rỉ ra ngoài.
4. Tiêm Botox điều trị tiểu són
Tiêm botox vào bàng quang có thể hữu ích nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Botox giúp thư giãn cơ bàng quang và tăng lượng nước tiểu mà bàng quang có thể chứa. Bạn có thể cần tiêm Botox khoảng 3 tháng một lần.
5. Kích thích thần kinh làm giảm chứng tiểu són
Phương pháp điều trị này sử dụng xung điện nhẹ để kích thích các dây thần kinh trong bàng quang. Các xung động có thể làm tăng lưu lượng máu đến bàng quang và tăng cường các cơ giúp kiểm soát bàng quang.
6. Phản hồi sinh học
Phản hồi sinh học giúp bạn quan sát hoạt động của bàng quang trên màn hình, từ đó học cách kiểm soát cơ bàng quang và niệu đạo.
Chuyên gia trị liệu sẽ gắn miếng dán điện lên da vùng cơ bàng quang và niệu đạo. Miếng dán kết nối với màn hình hiển thị thời điểm cơ co lại, giúp bạn điều chỉnh và kiểm soát tốt hơn.
7. Đặt dải treo âm đạo trị tiếu són ở nữ giới
Bác sĩ sẽ sử dụng một mảnh lưới tổng hợp hoặc một mảnh mô từ chính cơ thể bạn để đặt dưới niệu đạo. Nó sẽ hoạt động như một chiếc võng để hỗ trợ niệu đạo và giữ bàng quang đúng chỗ.

Hướng dẫn điều trị tiểu són tại nhà
Ngoài các phương pháp điều trị y tế, bác sĩ cũng có thể gợi ý cho bạn một số phương pháp chăm sóc tại nhà giúp nâng cao hiệu quả điều trị són tiểu:
- Giữ cân nặng ổn định, tránh béo phì để giảm áp lực lên bàng quang.
- Tập Kegel đều đặn giúp tăng sức mạnh cơ sàn chậu, hỗ trợ kiểm soát tiểu tiện tốt hơn.
- Tập luyện bàng quang bằng cách đi vệ sinh theo giờ cố định, tăng dần thời gian giữa các lần đi tiểu.
- Sử dụng miếng lót hoặc quần lót thấm hút nếu cần thiết.
- Hạn chế uống nhiều nước buổi tối, tránh rượu, bia, cafe, đồ chua dễ gây kích thích bàng quang.
- Ăn nhiều rau xanh, chất xơ, uống đủ nước để phòng táo bón.
- Không hút thuốc lá vì dễ gây kích thích bàng quang.
- Tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
☛ Tìm hiểu thêm: Điều trị tiểu són – Đâu là phương pháp hiệu quả?
Kết luận: Chứng són tiểu khá thường gặp, đặc biệt là ở những người lớn tuổi. Són tiểu không nên được coi là một phần của lão hóa và người bệnh không nên xấu hổ mà không gặp bác sĩ. Có nhiều biện pháp từ đơn giản đến phức tạp để trị và phòng són tiểu có hiệu quả. Khi có triệu chứng, nên gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị sớm, điều này giúp nâng cao hiệu quả chữa bệnh và tránh các biến chứng đáng tiếc làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.