Bệnh tiểu đêm có thể gặp ở bất kỳ ai và bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Việc hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp ta có hướng khắc phục hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Mục lục
Tiểu đêm là tình trạng một người phải thức dậy nhiều hơn 1 lần trong đêm để đi tiểu. Điều này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống. Nguyên nhân gây tiểu đêm có thể được chia thành hai nhóm chính là nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý.
Nguyên nhân sinh lý gây tiểu đêm
Nguyên nhân sinh lý gây tiểu đêm có thể xuất phát từ thói quen sinh hoạt hoặc sự thay đổi tự nhiên của cơ thể. Những yếu tố như uống nhiều nước trước khi ngủ, tiêu thụ đồ uống lợi tiểu hoặc quá trình lão hóa đều có thể khiến bạn thức dậy nhiều lần trong đêm. Cụ thể:
Do thói quen ăn uống
Chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến tần suất tiểu đêm. Uống quá nhiều nước, đặc biệt trước khi ngủ, hoặc tiêu thụ nhiều thực phẩm lợi tiểu như dưa hấu, cam, bưởi có thể làm tăng lượng nước tiểu.
Ngoài ra, việc tiêu thụ quá nhiều rượu, caffeine, đồ uống có ga hoặc chất ngọt nhân tạo… có thể kích thích bàng quang, khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt vào ban đêm.
Chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi không hợp lý cũng có thể khiến cơ thể hấp thụ dinh dưỡng kém hơn, làm thận hoạt động quá mức và gia tăng sản xuất nước tiểu.
Do mang thai
Khi mang thai, sự thay đổi nội tiết tố và áp lực từ tử cung mở rộng lên bàng quang khiến mẹ bầu đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt vào ban đêm. Trong những tuần cuối thai kỳ, thai nhi càng lớn, bàng quang càng bị chèn ép, dẫn đến tiểu rắt và tiểu nhiều lần trong ngày.
Do tâm lý, stress, căng thẳng
Căng thẳng, stress kéo dài có thể gây rối loạn giấc ngủ, làm hệ thần kinh kích thích bàng quang nhiều hơn, dẫn đến tiểu đêm thường xuyên. Tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể.
Do tuổi tác
Tuổi tác càng cao, chức năng thận và bàng quang càng suy giảm, làm tăng lượng nước tiểu về đêm. Đồng thời, cơ bàng quang yếu dần theo thời gian, khiến khả năng kiểm soát tiểu tiện kém đi, dẫn đến tình trạng tiểu đêm thường xuyên.
Do tác dụng phụ của thuốc
Sử dụng thuốc lợi tiểu để điều trị tăng huyết áp hoặc tình trạng thừa dịch có thể khiến cơ thể bài tiết nhiều nước tiểu hơn, dẫn đến tiểu đêm.
Ngoài ra, những bệnh nhân từng xạ trị ung thư ở tuyến tiền liệt, bàng quang hoặc vùng hố chậu có thể gặp tình trạng bàng quang bị kích thích hoặc chèn ép, gây ra tiểu nhiều lần, đặc biệt vào ban đêm.
Nguyên nhân bệnh lý gây tiểu đêm nhiều lần
Tình trạng tiểu đêm nhiều lần cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như:
Hội chứng bàng quang tăng hoạt
Bình thường, bàng quang có thể chứa từ 400-620ml nước tiểu. Tuy nhiên, khi chức năng bàng quang suy giảm, dung tích chứa nước tiểu giảm đi, dẫn đến tình trạng co bóp không đúng thời điểm.
Điều này khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy buồn tiểu gấp, tiểu nhiều lần, ngay cả khi lượng nước tiểu trong bàng quang ít, thậm chí có thể gây tiểu không tự chủ.
Bệnh phì đại tuyến tiền liệt
Sau tuổi 40, tuyến tiền liệt ở nam giới có xu hướng gia tăng kích thước bất thường, gây chèn ép lên bàng quang và đường tiểu. Điều này khiến nam giới thường xuyên buồn tiểu, tiểu nhiều lần trong ngày, thậm chí tiểu khó.
Đáng chú ý, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện cả ở nam giới trẻ tuổi, thậm chí trong độ tuổi thanh thiếu niên.
Viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu thường gây tiểu rắt, tiểu buốt, đau dọc niệu đạo, cảm giác thốn như kim châm khi tiểu tiện. Người bệnh có thể đi tiểu liên tục cả ngày lẫn đêm, nước tiểu có bọt hoặc màu đục.
Trường hợp nhiễm trùng nặng, nước tiểu có thể lẫn máu, gây tiểu đêm nhiều lần và đau rát kéo dài. Nguyên nhân phổ biến là do vi khuẩn, trong đó Chlamydia và Trichomonas là hai tác nhân thường gặp.
Do sỏi và các dị vật đường tiết niệu
Sỏi thận và các dị vật trong đường tiết niệu có thể gây kích ứng bàng quang, khiến người bệnh luôn có cảm giác buồn tiểu, tiểu nhiều lần nhưng không hết. Sự cọ xát của sỏi tại cổ bàng quang còn gây tiểu đau, tiểu rắt, nước tiểu ít, đôi khi có lẫn máu và đau vùng thận.
Hẹp niệu đạo
Tình trạng hẹp niệu đạo có thể do u xơ tiền liệt tuyến lành tính, bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm niệu đạo mạn tính gây đi tiểu nhiều có kèm theo các triệu chứng như đi tiểu đau buốt, có máu trong nước tiểu, nước tiểu đục.
Tổn thương các dây thần kinh
Các bệnh lý như tai biến mạch máu não, chấn thương tủy sống có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh kiểm soát bàng quang, dẫn đến rối loạn tiểu tiện như tiểu nhiều lần, tiểu gấp, thậm chí tiểu không tự chủ.
Do một số bệnh nội tiết
Đái tháo đường, đái tháo nhạt là bệnh lý mãn tính đặc trưng bởi nồng độ đường trong máu tăng cao kéo dài. Khi lượng đường huyết cao, cơ thể sẽ đào thải bớt đường qua nước tiểu, khiến khối lượng nước tiểu tăng lên. Đây là lý do làm cho người bệnh thường xuyên đi tiểu.
U xơ tử cung
U xơ tử cung là khối u lành tính hình thành từ cơ tử cung, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Khối u lớn chèn ép bàng quang và đường tiết niệu, khiến nữ giới tiểu nhiều lần, đặc biệt vào ban đêm. Nếu u nằm trên niệu đạo, nó có thể gây cản trở dòng chảy của nước tiểu, dẫn đến tiểu khó, tiểu rắt, tiểu buốt, thậm chí vừa đi xong lại có cảm giác buồn tiểu ngay.
Đối tượng nào dễ mắc chứng tiểu đêm?
Ngoài những người có thói quen uống nhiều nước trước khi ngủ hoặc hay nhậu về đêm, các nhóm đối tượng sau cũng có nguy cơ cao mắc chứng tiểu đêm:
- Người cao tuổi
- Người trung niên, đặc biệt là nam giới có nguy cơ phì đại tuyến tiền liệt
- Người mắc bệnh lý nội tiết: như đái tháo đường, bệnh lý tuyến tiền liệt, viêm đường tiết niệu…
- Người thường xuyên chịu căng thẳng, áp lực
- Người bị tổn thương hệ thần kinh…
Kết luận
Tiểu đêm nhiều lần không chỉ gây phiền toái trong sinh hoạt mà còn có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Việc xác định nguyên nhân sẽ giúp bạn có hướng điều chỉnh phù hợp. Nếu tình trạng này kéo dài, ảnh hưởng đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào vui lòng để lại bình luận bên dưới hoặc liên hệ tổng đài (miễn cước) 1800 1258 để được hỗ trợ nhanh nhất.