Tiểu đêm nhiều không chỉ gây phiền toái mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ. Việc liên tục phải thức giấc để đi tiểu khiến giấc ngủ chập chờn, khó sâu giấc, lâu dài có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, làm thế nào để khắc phục?
Mục lục
Thế nào là tiểu đêm nhiều lần?
Tiểu đêm nhiều lần là tình trạng một người phải thức dậy từ 2 lần trở lên mỗi đêm để đi tiểu. Đây được xem là một trong những triệu chứng tiết niệu phổ biến và gây nhiều khó chịu nhất.
Hiện tượng này thường xảy ra ở người lớn tuổi. Theo thống kê, hơn 50% nam và nữ trên 60 tuổi bị tiểu đêm nhiều lần. Tuy nhiên trên thực tế nó cũng có thể xảy ra ở mọi độ tuổi.

Phân loại tiểu đêm nhiều
Tiểu đêm nhiều được chia thành 3 loại chính dựa trên triệu chứng:
- Đa niệu toàn thể: Đi tiểu nhiều cả ngày lẫn đêm, với tổng lượng nước tiểu >3000 ml/24 giờ. Nguyên nhân do thận lọc quá nhiều nước hoặc nước tiểu chứa các chất lạ (như glucose), kéo theo nước thải ra ngoài.
- Đa niệu về đêm: Lượng nước tiểu ban đêm tăng cao, gây tiểu đêm nhiều lần, trong khi ban ngày nước tiểu bình thường hoặc giảm. Thường do chất lỏng tích tụ ở chân vào ban ngày và được thận lọc khi nằm ngủ.
- Tiểu đêm hỗn hợp: Đi tiểu nhiều lần nhưng mỗi lần chỉ có lượng ít, tổng nước tiểu trong 24 giờ không tăng đáng kể. Nguyên nhân có thể do bàng quang không rỗng hoàn toàn hoặc thể tích bàng quang nhỏ.
Nguyên nhân gây tiểu đêm nhiều
Tùy từng loại, tiểu đêm có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể:
Đa niệu toàn thể
Các nguyên nhân của đa niệu toàn thể thường do:
- Uống quá nhiều nước
- Bệnh tiểu đường chưa được điều trị (loại 1 và loại 2)
- Đái tháo nhạt
- Đái tháo đường thai kì.
- Sử dụng một số loại thuốc như: thuốc lợi tiểu, SSRI (chất ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin), thuốc chẹn canxi, tetracycline, lithium.

Đa niệu về đêm
Nguyên nhân của đa niệu về đêm thường gặp nhất là:
- Uống quá nhiều chất lỏng trước khi đi ngủ, đặc biệt là các loại đồ uống lợi tiểu như trà, cà phê, rượu,…
- Chế độ ăn nhiều muối
- Rối loạn giấc ngủ: Bao gồm các tình trạng như ngưng thở khi ngủ, mất ngủ, hội chứng chân không yên, chứng ngủ rũ,…
- Suy tim sung huyết
- Phù chi dưới
- Hội chứng thận hư
- Suy gan, thận
- Suy dinh dưỡng
- Ứ trệ tĩnh mạch…
Tiểu đêm hỗn hợp
Nguyên nhân gây tiểu đêm hỗn hợp thường là:
- Bàng quang bị tắc nghẽn
- Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính ở nam giới
- Sỏi bàng quang
- Ung thư bàng quang
- Bàng quang tăng hoạt
- Nhiễm trùng bàng quang hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu
- Viêm tuyến tiền liệt
- Viêm bàng quang kẽ
- Khó thở khi ngủ…

Tiểu đêm nhiều gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe?
Như đã nói ở trên, tiểu đêm không chỉ gây phiền toái mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Rối loạn giấc ngủ, suy giảm chất lượng cuộc sống: Tiểu đêm khiến giấc ngủ bị gián đoạn, gây mệt mỏi, suy giảm năng suất làm việc, mất tập trung và rối loạn tinh thần. Về lâu dài, mất ngủ còn làm tăng nguy cơ trầm cảm, béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch…

Đặc biệt, tiểu đêm nhiều cũng có thể liên quan đến bệnh lý, mếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:
- Tiểu đường: Gây tổn thương mắt, tim, thận, thần kinh, tăng nguy cơ đột quỵ.
- Tăng sản tuyến tiền liệt: Dẫn đến suy thận, bí tiểu, xơ hóa bàng quang, rối loạn cương dương.
- Sỏi bàng quang: Gây tiểu đau, nhiễm trùng đường tiết niệu, bí tiểu cấp, tổn thương bàng quang.
- Nhiễm trùng tiết niệu: Tổn thương có thể lan rộng, gây nhiễm trùng bàng quang, nhiễm trùng máu…
Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra, nếu thường xuyên tiểu đêm, bạn hãy theo dõi tình trạng, đi khám sớm để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Tiểu đêm nhiều lần có điều trị được không?
Nhiều người lầm tưởng tiểu đêm là dấu hiệu lão hóa tự nhiên và chấp nhận sống chung với nó dù phải chịu nhiều phiền toái. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm. Việc điều trị tiểu đêm là cần thiết, đặc biệt khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ, sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Tiểu đêm có thể điều trị được. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp đều có thể được khắc phục 100%. Dù vậy, điều trị đúng cách sẽ giúp giảm tần suất đi tiểu, từ đó giúp người bệnh ngủ ngon hơn, cải thiện sức khỏe và tinh thần.
Các phương pháp điều trị
Tiều đêm nhiều lần có thể được điều trị bằng các phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Biện pháp khắc phục tại nhà
Để giảm tiểu đêm nhiều lần người bệnh sẽ cần thay đổi một số thói quen sau:
- Đi tiểu trước khi ngủ: Đây là cách hữu hiệu giúp hạn chế số lần thức dậy đi tiểu ban đêm.
- Hạn chế uống nước buổi tối: Tránh uống nhiều nước, đặc biệt là cà phê, trà, rượu trước khi ngủ 1 – 2 giờ.
- Điều chỉnh thời gian dùng thuốc: Một số loại thuốc có thể gây tiểu đêm nhiều lần. Khi sử dụng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh thời gian dùng thuốc sớm hơn.
- Nâng cao chân, mang tất ép: Trường hợp tiểu đêm do tích tụ chất lỏng, việc sử dụng tất ép hoặc nâng cao chân khi ngủ sẽ giúp giảm tích tụ chất lỏng ở chân, hạn chế tiểu đêm do dịch chuyển chất lỏng khi ngủ.

Điều trị bằng thuốc
Không có thuốc chung cho mọi nguyên nhân gây tiểu đêm, việc kê đơn tùy thuộc vào chẩn đoán của bác sĩ. Một số loại thuốc phổ biến gồm:
- Điều trị tăng sản tuyến tiền liệt: Thuốc chẹn alpha, thuốc ức chế 5-alpha reductase, thuốc kết hợp, tadalafil.
- Điều trị tiểu đường: Insulin, thuốc amylinomimetic, thuốc ức chế alpha-glucosidase, Biguanides, chất chủ vận dopamine,…
- Điều trị viêm nhiễm đường tiết niệu, tuyến tiền liệt: Kháng sinh.
- Điều trị suy gan: Thuốc acetylcysteine, thuốc nhuận tràng, thuốc xổ, dịch truyền tĩnh mạch,…
Điều trị theo Đông Y
Điều trị tiểu đêm nhiều lần bằng Đông y cũng là giải pháp được nhiều người lựa chọn. Dưới đây là một số bài thuốc phổ biến:
Bài 1
- Chuẩn bị: Ngũ gia bì, Khiếm thực, Thục địa (sao khô), Bạch truật, Sơn thù, Phòng sâm mỗi vị 12g; Thỏ ty tử, Trạch tả, Bạch linh mỗi vị 10g, Tang diệp 16g.
- Công dụng: Bổ thận, bổ khí, ổn định và củng cố chức năng của thận dương.
- Thực hiện: Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Nếu người bệnh có biểu hiện lạnh tay chân và lạnh lưng thì gia Quế 10g, Sinh khương 8g.

Bài 2
- Chuẩn bị: Bạch biển đậu, Sơn thù, Thục địa (sao khô), Kim anh, Hắc táo nhân, Viễn chí, Liên nhục mỗi vị 12g, Hoài sơn 16g, Cố chỉ 10g, Đại táo 8 quả.
- Công dụng: Bổ tâm thận, ổn định thần kinh trung ương, củng cố sức bền và khả năng cầm cố của thận. Phù hợp cho những người bị mất ngủ kéo dài, tim đập nhanh, hay hồi hộp, hay quên, tiểu đêm nhiều lần.
- Thực hiện: Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
Bài 3
- Chuẩn bị: Cẩu tích, Khởi tử, Sơn thù, Ngũ gia bì, Ngải diệp, Sa sâm, Hoàng kỳ, Mẫu lệ chế mỗi vị 12g; Tơ hồng xanh, Hoài sơn, Tang ký sinh, Đương quy, Bạch truật mỗi vị 16g; Đỗ trọng, Cam thảo mỗi vị 10g.
- Công dụng: Bổ thận nạp khí, ôn ấm bàng quang, chủ trị cho người bệnh thận hư, chức năng bàng quang bị rối loạn dẫn tới tiểu đêm, tiểu vặt và tiểu không kiểm soát.
- Thực hiện: Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Bài 4 (thuốc ngâm rượu)
- Chuẩn bị: Đỗ trọng, Thỏ ty tử, Khởi tử, Sơn thù, Cẩu tích, Ngũ gia bì, Hoài sơn, Liên nhục, Biển đậu, Thục địa, Đương quy, Sa sâm, Phòng sâm, Hắc táo nhân, Viễn chí, Hoàng kỳ, Bạch truật mỗi vị 20g; Cam thảo 40g; Trần bì, Trạch tả mỗi vị 16g, Quế 10g.
- Công dụng: Dùng cho những người thận yếu, tiểu đêm nhiều lần, rối loạn chức năng bàng quang, ngủ ít, tim hồi hộp, chân tay lạnh…
- Thực hiện: Các vị thái nhỏ bỏ vào bình sành. Đổ vào 3 lít rượu để ngâm. Sau 20 ngày là có thể dùng được. Ngày uống 50 – 60ml, chia 2 lần trước bữa ăn.
Lưu ý: Đây là rượu thuốc vì vậy cần sử dụng đúng liều lượng, nếu quá chén sẽ không có lợi.
Món ăn tốt cho người bệnh tiểu đêm
Ngoài thuốc, một số món ăn cũng giúp giảm chứng tiểu đêm. Dưới đây là những món bổ dưỡng bạn có thể tham khảo:
- Cật heo nhồi đậu dao: Rửa sạch cật heo, xẻ đôi, nhồi đậu dao vào, hầm nhừ, nêm nếm vừa ăn. Dùng 2–8 ngày tùy mức độ bệnh.
- Ba ba hầm thịt gà: Ba ba 250g, thịt gà 150g rửa sạch, chặt miếng, hầm nhừ với gia vị rồi ăn.
- Gà hầm hoàng kỳ, thục địa: Gà mái 500g, hầm với 30g hoàng kỳ, 30g thục địa, uống nước, ăn thịt.
- Cháo gan gà, thỏ ty tử: Gan gà trống, 15g thỏ ty tử, 60g gạo tẻ, 750ml nước, hầm nhừ thành cháo.
Kết luận:
Tiểu đêm nhiều lần là tình trạng phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dù nguyên nhân là bệnh lý hay không, tình trạng này đều ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe. Nếu bạn thường xuyên phải dậy đi tiểu đêm từ 2 lân trở lên, hãy đi khám sớm để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.
Toi hay bi tieu dem
Chào anh Thôi,
Tiểu nhiều lần ở nam giới có thể do nhiều nguyên nhân, có thể gặp trong các bệnh lý về hệ thận tiết niệu hoặc tuyến tiền liệt hoặc có thể do thói quen hình thành, hoặc ảnh hưởng của yếu tố tâm lý gây hội chứng bàng quang kích thích, gây co bóp bất thường cũng có thể gây các triệu chứng tương tự.
Để tư vấn kỹ hơn anh vui lòng gọi đến TĐ 18001258 trong giờ hành chính để được các chuyên gia tư vấn anh nhé!
Chúc anh nhiều sức khỏe!