Cảm giác tiểu không hết, tiểu dắt có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nam giới. Đừng chủ quan! Cùng tìm hiểu nguyên nhân, cách nhận biết và phương pháp điều trị hiệu quả để sớm lấy lại phong độ.
Mục lục
Vì sao nam giới dễ bị tiểu không hết?
Tiểu không hết là tình trạng bàng quang không được làm rỗng hoàn toàn sau khi đi tiểu, khiến người bệnh luôn có cảm giác còn nước tiểu bên trong.
Nam giới dễ bị tiểu không hết hơn nữ giới do sự khác biệt về giải phẫu đường tiết niệu. Tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo nam giới và có xu hướng phì đại theo tuổi tác, gây chèn ép dòng tiểu, dẫn đến tình trạng tiểu khó, tiểu ngập ngừng, tiểu không hết. Tỷ lệ mắc phì đại tuyến tiền liệt tăng dần theo tuổi, từ 8% ở tuổi 40 lên đến 80% ở tuổi 90.

Ngoài ra, niệu đạo nam dài gấp 4 – 5 lần nữ giới, khiến nước tiểu dễ bị đọng lại sau khi đi tiểu, góp phần gây ra cảm giác tiểu không hết.
Dù tiểu không hết gặp ở mọi độ tuổi, nhưng nam giới lớn tuổi là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất. Thống kê cho thấy cứ 3 nam giới trên 50 tuổi thì có 1 người mắc phải, và gần như tất cả đàn ông trên 85 tuổi đều gặp khó khăn khi đi tiểu.
Tiểu không hết ở nam giới có nguy hiểm không?
Tiểu không hết không phải là tình trạng khẩn cấp, nhưng nếu kéo dài, nó có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Tổn thương bàng quang
- Hư thận
- Tiểu không tự chủ
- Bí tiểu cấp tính (Đây là một biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tới tính mạng nếu không cấp cứu kịp thời. Nó khiến người bệnh không thể đi tiểu được dù bàng quang đã đầy).
Vì vậy, nếu bạn gặp tình trạng này, hãy sớm đi khám và điều trị, tránh những rủi ro không đáng có.
Nhận biết dấu hiệu của bệnh
Một số nam giới không nhận ra mình bị tiểu không hết do không có triệu chứng rõ ràng. Tình trạng này thường chỉ được phát hiện khi đi khám vì một vấn đề khác.
Tuy nhiên, nhiều người lại gặp các dấu hiệu như:
- Đi tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm (trên 8 lần/ngày).
- Cảm giác vẫn còn nước tiểu sau khi đi vệ sinh.
- Tiểu gấp nhưng lượng nước tiểu ít hoặc không thể tiểu được.
- Khó chịu, đau nhẹ vùng bụng dưới.
- Dòng nước tiểu yếu, ngắt quãng.
Dù triệu chứng có nhẹ, tình trạng kéo dài có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, nếu nhận thấy không thể tiểu được, đau bụng dữ dội, đau lưng dưới hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng (sốt, nôn, ớn lạnh), hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Nguyên nhân
Tiểu không hết ở nam giới có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, phổ biến nhất bao gồm:
Phì đại tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ nằm ngay dưới bàng quang, bao quanh niệu đạo. Khi nam giới lớn tuổi, sự thay đổi hormone cùng các yếu tố như di truyền, viêm nhiễm, lối sống… có thể khiến tuyến tiền liệt phát triển quá mức, gây ra tình trạng phì đại tuyến tiền liệt (tăng sản tuyến tiền liệt lành tính).
Dù không gây ung thư, phì đại tuyến tiền liệt có thể chèn ép niệu đạo, làm cản trở dòng nước tiểu và gây tiểu không hết, tiểu khó, tiểu rắt…
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể làm tắc nghẽn niệu đạo và gây tiểu không hết như:
- Sỏi niệu đạo
- Hẹp niệu đạo, hẹp bao quy đầu
- Táo bón nặng (khối phân lớn chèn ép niệu đạo)
- Ung thư tuyến tiền liệt hoặc bàng quang

Tổn thương thần kinh
Hệ thần kinh đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hoạt động của bàng quang. Khi bàng quang đầy, các dây thần kinh sẽ gửi tín hiệu lên não để kích hoạt phản xạ đi tiểu. Tuy nhiên, nếu dây thần kinh bị tổn thương, tín hiệu này có thể bị gián đoạn, khiến bàng quang không co bóp hiệu quả, dẫn đến tiểu không hết.
Một số nguyên nhân gây tổn thương thần kinh có thể kể đến như:
- Tai nạn, chấn thương cột sống
- Đột quỵ
- Bệnh tiểu đường
- Nhiễm trùng não hoặc tủy sống
- Bệnh đa xơ cứng và các rối loạn thần kinh khác.
Phẫu thuật
Gây mê trong quá trình phẫu thuật cũng có thể làm suy yếu một số dây thần kinh của bạn, dẫn đến tiểu không hết sau đó.
Ngoài ra, nếu bạn phải phẫu thuật bàng quang, thận hoặc niệu đạo, các mô sẹo hình thành sau phẫu thuật cũng có thể làm co thắt niệu đạo, gây ra trình trạng tiểu không hết ở nam giới.
Viêm, nhiễm trùng
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể làm tổn thương hoặc gây sưng viêm các bộ phận trong hệ tiết niệu, dẫn đến tình trạng tiểu không hết ở nam giới. Một số tác động phổ biến của nhiễm trùng như:
- Viêm niệu đạo, viêm bàng quang → Làm sưng phù, cản trở dòng chảy của nước tiểu.
- Viêm hoặc nhiễm trùng tuyến tiền liệt → Khiến niệu đạo bị chèn ép, gây khó tiểu, tiểu ngập ngừng.
- Viêm bao quy đầu → Làm tắc nghẽn lỗ niệu đạo, ảnh hưởng đến quá trình bài tiết nước tiểu.
- Nhiễm virus Herpes → Có thể tác động đến dây thần kinh kiểm soát bàng quang, gây rối loạn tiểu tiện.
Thuốc men
Một số loại thuốc có thể gây tiểu không hết do ảnh hưởng đến hệ thần kinh hoặc làm thay đổi trương lực cơ trơn của bàng quang và niệu đạo. Ví dụ như:
- Thuốc trị cảm lạnh, thuốc thông mũi, thuốc chống dị ứng
- Thuốc kháng cholinergic
- Thuốc chống trầm cảm…

Điều trị tiểu không hết ở nam giới
Các phương pháp điều trị tiểu không hết ở nam giới bao gồm:
Tự chăm sóc
Để cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang, nam giới có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản tại nhà như:
- Giảm uống cà phê, trà, rượu, đồ uống có ga, chất làm ngọt nhân tạo vì chúng có thể gây kích thích bàng quang và làm triệu chứng nặng hơn.
- Đi tiểu ngay khi có nhu cầu để tránh làm suy yếu chức năng bàng quang và gia tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Tập các bài tập cơ sàn chậu (hay còn gọi là tập kegel). Bạn có thể tham khảo các bài hướng dẫn chi tiết từ những nguồn đáng tin cậy.
- Bổ sung chất xơ từ rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt để ngăn ngừa táo bón – một trong những nguyên nhân có thể gây chèn ép bàng quang và dẫn đến tiểu không hết.
Dùng thuốc
Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc phù hợp để giúp cải thiện tình trạng tiểu không hết. Các nhóm thuốc thường được sử dụng gồm:
Thuốc điều trị phì đại tuyến tiền liệt
- Thuốc chẹn alpha như tamsulosin, alfuzosin: giúp thư giãn cơ trơn tuyến tiền liệt và cổ bàng quang, cải thiện dòng chảy nước tiểu.
- Thuốc ức chế men khử 5-alpha (5-ARI) như finasteride, dutasteride: giúp thu nhỏ kích thước tuyến tiền liệt.
- Thuốc ức chế phosphodiesterase-5 (PDE-5) như tadalafil: hỗ trợ cải thiện triệu chứng tiết niệu do phì đại tuyến tiền liệt.
Thuốc điều trị viêm, nhiễm trùng
Trong các trường hợp tiểu không hết do viêm nhiễm đường tiết niệu hoặc viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng kháng sinh như amoxicillin, erythromycin, ciprofloxacin…
☛ Xem chi tiết: Phì đại tiền liệt tuyến uống thuốc gì?
Thủ thuật ít xâm lấn
Khi thuốc không mang lại hiệu quả hoặc bệnh tiến triển nặng hơn, bác sĩ có thể chỉ định một số thủ thuật ít xâm lấn nhằm cải thiện tình trạng tiểu không hết, bao gồm:
- Nội soi bàng quang để tìm và loại bỏ các tắc nghẽn như sỏi đường tiết niệu
- Liệu pháp laser để loại bỏ một vùng mô tuyến tiền liệt phì đại
- Nút mạch phì đại tuyến tiền liệt (PAE)
- Nong giãn niệu đạo để tăng dần kích thước của lỗ mở niệu đạo
- Liệu pháp vi sóng Transurethral (TUMT) để điều trị phì đại tuyến tiền liệt…
☛ Tìm hiểu thêm: Các kỹ thuật mổ u phì đại tuyến tiền liệt
Vật lý trị liệu
Các bài tập vẫn lý trị liệu có thể giúp tăng cường cơ sàn chậu và đào tạo bàng quang, từ đó cải thiện tình trạng tiểu không hết. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý tập luyện mà nên đến gặp các chuyên gia vật lý trị liệu để được giám sát, hướng dẫn cụ thể. Tránh việc áp dụng sai làm bệnh thêm trầm trọng.

Phẫu thuật
Nếu các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể xem xét chỉ định phẫu thuật. Một số thủ tục phẫu thuật thường được áp dụng là:
- Phẫu thuật loại bỏ một phần của tuyến tiền liệt
- Phẫu thuật sửa chữa các vết thắt niệu đạo hoặc mô sẹo cổ bàng quang
- Phẫu thuật loại bỏ khối u bất thường hoặc phần bị hư hỏng của đĩa đệm thoát vị
- Phẫu thuật chuyển hướng dòng chảy nước tiểu (cắt bàng quang)…
Tiên lượng
Tiên lượng tiểu không hết ở nam giới phụ thuộc vào nguyên nhân:
- Nếu do phì đại tuyến tiền liệt, nguy cơ biến chứng cao hơn, đặc biệt ở người lớn tuổi.
- Nếu do nguyên nhân tạm thời (như táo bón), khả năng hồi phục tốt hơn.
- Tuổi càng cao, nguy cơ biến chứng càng lớn.
Kết luận
Tiểu không hết ở nam giới là vấn đề phổ biến, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, nó có thể là dấu hiệu bệnh lý và tiến triển nặng hơn theo thời gian. Nếu có cảm giác bàng quang vẫn còn nước tiểu sau khi đi tiểu, hãy chủ động đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.