Tiểu khó, tiểu buốt có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý. Điều này khiến không ít người lo lắng khi gặp phải tình trạng này. Việc xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời sẽ giúp cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Vậy tiểu khó, tiểu buốt là bệnh gì và cách xử trí thế nào?
Mục lục
Tiểu khó tiểu buốt – Dấu hiệu nhận biết
Tiểu khó và tiểu buốt thực chất là hai tình trạng tiểu tiện khác nhau. Trong đó:
- Tiểu khó là tình trạng người bệnh gặp khó khăn khi bắt đầu hoặc duy trì dòng nước tiểu. Nước tiểu chảy yếu, ngắt quãng, người bệnh phải rặn mạnh, rặn lâu mới tiểu được.
- Tiểu buốt là cảm giác đau rát, châm chích, nóng rát khi đi tiểu, đôi khi như niệu đạo bị bỏng rát. Cơn đau có thể xuất hiện ở bàng quang, niệu đạo, đầu dương vật hoặc vùng đáy chậu.
Hai triệu chứng này có thể xảy ra riêng lẻ hoặc đồng thời, gây khó chịu và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày.
Vì sao bị tiểu khó tiểu buốt?
Tiểu khó, tiểu buốt không phải hiện tượng đơn thuần mà thường là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này:
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu là nguyên nhân hàng đầu gây tiểu khó, tiểu buốt. Đây là tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra tại bất kỳ phần nào của hệ tiết niệu, bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo, trong đó nhiễm trùng bàng quang và niệu đạo là phổ biến nhất.
Bệnh thường do vi khuẩn xâm nhập qua niệu đạo, phát triển trong bàng quang, gây viêm nhiễm và kích thích đường tiết niệu, dẫn đến đau buốt, khó tiểu.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs)
Bệnh lây truyền qua đường tình dục là một trong những nguyên nhân gây tiểu khó, tiểu buốt. Đây là nhóm bệnh do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng lây qua quan hệ tình dục, đôi khi cũng truyền từ mẹ sang con hoặc qua dùng chung kim tiêm.
Một số bệnh STDs có thể ảnh hưởng đến đường tiết niệu, gây tiểu khó, tiểu buốt như: mụn rộp sinh dục, nhiễm trùng Chlamydia, bệnh Trichomonas.
Phì đại tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt nằm dưới bàng quang, bao quanh niệu đạo. Phì đại tuyến tiền liệt (hay u xơ tuyến tiền liệt, tăng sản tuyến tiền liệt) là tình trạng tuyến tiền liệt phát triển quá mức, thường gặp ở nam giới lớn tuổi.
Khi phì đại, tuyến này có thể chèn ép niệu đạo và bàng quang, gây tiểu khó, tiểu buốt và nhiều rối loạn tiểu tiện khác.
Viêm mào tinh hoàn
Đi tiểu khó tiểu buốt cũng có thể do bạn bị viêm mào tinh hoàn.
Viêm mào tinh hoàn là hiện tượng mào tinh hoàn bị sưng và đau, thường do nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Mào tinh hoàn là một ống nhỏ hình chữ C nằm phía sau tinh hoàn, đóng vai trò lưu trữ và giúp tinh trùng trưởng thành trước khi đi vào ống dẫn tinh. Khi bị viêm, nó có thể gây đau và ảnh hưởng đến quá trình tiểu tiện.
Sỏi thận
Sỏi thận cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tình trạng tiểu khó, tiểu buốt, thậm chí tiểu ra máu.
Sỏi thận hình thành khi nước tiểu chứa quá nhiều chất tạo tinh thể (như canxi, oxalat, axit uric) mà thiếu chất ngăn cản kết dính, dẫn đến sự tích tụ và tạo thành sỏi. Nếu sỏi nhỏ, chúng có thể tự đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, khi sỏi lớn và mắc kẹt trong niệu quản, nó có thể gây tắc nghẽn, dẫn đến đau đớn và rối loạn tiểu tiện.
Thuốc men
Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc điều trị ung thư và một số loại thuốc kháng sinh, có thể gây ra hiện tượng tiểu khó tiểu buốt như một tác dụng phụ. Vì thế, nếu gặp điều này trong khi đang sử dụng loại thuốc điều trị nào đó, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ của mình.
Sản phẩm vệ sinh
Đôi khi, tiểu khó tiểu buốt có thể bắt nguồn từ việc sử dụng một số loại sản phẩm vệ sinh cá nhân.
Xà phòng, sữa tắm, dung dịch vệ sinh phụ nữ hay nước hoa vùng kín có thể gây kích ứng niệu đạo và vùng nhạy cảm. Ngoài ra, thuốc nhuộm trong bột giặt hoặc các sản phẩm tẩy rửa cũng có thể gây phản ứng, dẫn đến tình trạng tiểu khó, tiểu buốt.
Nguyên nhân khác
Tiểu khó, tiểu buốt cũng có thể xảy ra do các nguyên nhân khác như:
- Viêm bàng quang kẽ
- Bệnh viêm vùng chậu (PID)
- Bệnh u xơ tắc nghẽn
- Viêm tuyến tiền liệt
- Hẹp niệu đạo
- Ung thư bàng quang, thận, tuyến tiền liệt…
Nên làm gì nếu gặp phải tiểu buốt tiểu khó?
Nếu bị tiểu buốt, tiểu khó kéo dài 24 – 48 giờ, hãy đi khám ngay. Nếu chậm trễ, tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm có thể lan rộng, gây biến chứng nguy hiểm.
Đặc biệt, người bệnh cần được cấp cứu ngay nếu gặp một trong các vấn đề dưới đây:
- Đang mang thai
- Sốt, mệt mỏi, ớn lạnh
- Dương vật hoặc âm đạo chảy dịch bất thường
- Đau bụng dữ dội.

Điều trị tiểu buốt tiểu khó như thế nào?
Để điều trị tiểu buốt, tiểu khó, trước tiên cần xác định nguyên nhân gây bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ cân nhắc dựa trên tình trạng sức khỏe tổng thể để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Chẩn đoán tiểu khó tiểu buốt
Khi có dấu hiệu tiểu khó, tiểu buốt, người bệnh cần đến khoa Thận – Tiết niệu hoặc khoa Nam học (với nam giới) và khoa Sản phụ khoa (với nữ giới) để thăm khám.
Thông thường, quá trình thăm khám, chẩn đoán sẽ bao gồm:
- Khai thác tiền sử bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, tiền sử bệnh lý và thói quen sinh hoạt, bao gồm lịch sử tình dục (nếu nghi ngờ STDs).
- Đánh giá thuốc sử dụng: Ghi nhận các loại thuốc bạn đang dùng, kể cả thuốc không kê đơn hay biện pháp tự điều trị tại nhà.
- Xét nghiệm nước tiểu: Phân tích mẫu nước tiểu để tìm dấu hiệu viêm nhiễm, bạch cầu hoặc các hóa chất bất thường.
- Xét nghiệm bổ sung: Có thể bao gồm xét nghiệm máu, siêu âm, nội soi bàng quang hoặc xét nghiệm STDs nếu cần.
☛ Xem thêm: Khám tiểu buốt ở đâu tốt nhất?
Các phương pháp điều trị thường dùng
Việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng sức khỏe của từng người. Dưới đây là các phương pháp điều trị cho một số nguyên nhân thường gặp:
Vấn đề | Tác nhân gây bệnh phổ biến nhất | Phương pháp điều trị |
Nguyên nhân nhiễm trùng | ||
Viêm bể thận | Vi khuẩn Coliform | Thuốc quinolones; aminoglycoside cộng với ampicillin; cephalosporin thế hệ thứ ba; piperacillin (Pipracil) |
Viêm bàng quang | Vi khuẩn Coliform | Thuốc trimethoprim-sulfamethoxazole (Bactrim), quinolon, cephalosporin, nitrofurantoin (Furadantin), amoxicillin (Amoxil) |
Viêm niệu đạo | Neisseria gonorrhoeae, Chlamydia trachomatis | Thuốc Ceftriaxone (Rocephin) cộng với doxycycline (Vibramycin); macrolit; quinolon |
Viêm tuyến tiền liệt | Vi khuẩn Coliform | Thuốc Quinolones, doxycycline, trimethoprim-sulfamethoxazole |
Viêm âm đạo | Virus Herpes simplex II | Thuốc Acyclovir (Zovirax), famciclovir (Famvir), valacyclovir (Valtrex) |
Nguyên nhân tắc nghẽn | ||
Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt | Tuổi và nội tiết tố androgen | Thuốc chẹn alpha, Finasteride (Proscar), liệu pháp tăng thân nhiệt, thay đổi lối sống, phẫu thuật |
Hẹp niệu đạo | Phẫu thuật trước đó | Nong niệu đạo, phẫu thuật |
Bệnh ác tính | ||
Khối u tế bào thận | Không xác định | Phẫu thuật, hóa trị |
Ung thư bàng quang | Hút thuốc, tiếp xúc với thuốc nhuộm anilin | Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị |
Bệnh sỏi | Rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng | Bổ sung nước, kiểm soát cơn đau, thuốc kháng sinh (nếu có nhiễm trùng), thuốc điều chỉnh các khiếm khuyết chuyển hóa (ví dụ: allopurinol [Zyloprim] để tăng axit uric máu) |
Nguyên nhân khác | ||
Các sản phẩm vệ sinh cá nhân | Dung dịch vệ sinh vùng kín, sữa tắm, dầu gội,… | Tránh các loại xà phòng, sữa tắm, dung dịch vệ sinh có hóa chất mạnh và chuyển sang sản phẩm dịu nhẹ. |
Độc tính hoặc tác dụng phụ của thuốc | Dopamine, cantharidin và những loại thuốc khác | Tránh sử dụng. Trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh liều hoặc đổi thuốc ít tác dụng phụ hơn. |
Kết luận:
Tiểu buốt, tiểu khó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý. Nếu để lâu, bệnh có thể tiến triển và gây ra những biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng. Do đó, khi gặp hiện tượng này, bạn nên đi khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo và không thay thế cho lời khuyên của bác sĩ. Nếu có dấu hiệu bất thường, bạn nên tìm đến cơ sở y tế để được tư vấn chính xác.