Thuốc là giải pháp giúp kiểm soát chứng tiểu đêm nhiều lần hiệu quả. Tùy vào nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ kê đơn loại thuốc phù hợp để giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về các nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị tiểu đêm.
Mục lục
Tiểu đêm gây ảnh hưởng tới sức khỏe
Tiểu đêm là tình trạng phải thức dậy trong đêm để đi tiểu, gây gián đoạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Cụ thể, việc phải thức dậy nhiều lần trong đêm có thể dẫn đến mất ngủ, giảm tập trung, giảm hiệu suất làm việc và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, trầm cảm, tiểu đường… Đặc biệt, người cao tuổi có nguy cơ té ngã cao, gây hậu quả nghiêm trọng như gãy xương, bại liệt.
Tình trạng tiểu đêm có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi.

Khi nào cần dùng thuốc trị tiểu đêm?
Việc điều trị tiểu đêm phụ thuộc vào nguyên nhân và có nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm:
- Thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt
- Vật lý trị liệu
- Sử dụng thuốc
- Phẫu thuật.
Trong đó, thuốc được chỉ định khi các biện pháp thay đổi lối sống không mang lại hiệu quả.
Các loại thuốc trị tiểu đêm nhiều
Một số thuốc trị tiểu đêm phổ biến có thể kể đến như:
Thuốc kháng cholinergic
Thuốc kháng cholinergic là nhóm thuốc phổ biến nhất trong điều trị tiểu đêm do bàng quang hoạt động quá mức. Chúng giúp giảm co thắt bàng quang bằng cách ức chế hormone acetylcholine, từ đó hạn chế cảm giác buồn tiểu.

Một số loại thuốc trong nhóm này gồm:
- Oxybutynin (Ditropan XL, Oxytrol)
- Tolterodine (Detrol, Detrol LA)
- Trospium (Sanctura)
- Darifenacin (Enablex)
- Solifenacin (Vesicare)
- Fesoterodine (Toviaz)
Hầu hết các thuốc này dùng theo đường uống, riêng Oxytrol có thêm dạng miếng dán da.
Tác dụng phụ thường gặp:
- Khô miệng
- Tầm nhìn mờ
- Táo bón
Trong đó, người cao tuổi có nguy cơ gặp tác dụng phụ cao hơn, bao gồm buồn ngủ, tăng nguy cơ té ngã. Oxybutynin có thể gây tác dụng phụ nhiều hơn, nhưng dạng phóng thích kéo dài (miếng dán da) giúp giảm tình trạng này.
Ngoài ra, thuốc kháng cholinergic có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng sa sút trí tuệ, nên cần thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân mắc chứng này.
Thuốc adrenergic Beta-3
Mirabegron (tên thương hiệu Myrbetriq) là thuốc duy nhất thuộc nhóm này. Thuốc giúp bàng quang giữ nhiều nước tiểu hơn và giảm các cơn co thắt không tự chủ, từ đó hạn chế tần suất đi tiểu và tiểu không kiểm soát.
Tác dụng phụ thường gặp: Làm tăng huyết áp, táo bón, tiêu chảy, đau đầu,…
Bạn cần ngừng dùng thuốc và gọi ngay cho bác sĩ nếu:
- Tim đập nhanh, đau ngực, thở dốc
- Đau rát khi đi tiểu
- Đau đầu nghiêm trọng, giảm thị lực
- Chảy máu mũi, lo lắng bất thường…
Thuốc nội tiết tố
Một số phụ nữ bị tiểu đêm nhiều lần do bàng quang hoạt động quá mức, nguyên nhân chủ yếu là suy giảm estrogen trong giai đoạn mãn kinh. Khi estrogen giảm, các mô xung quanh bàng quang và niệu đạo suy yếu, gây khó kiểm soát tiểu tiện.
Với những trường hợp này, bác sĩ có thể kê một đơn thuốc có chứa estrogen tại chỗ, như: kem bôi estradiol (Estrace) hoặc kem estrogen liên hợp (Premarin).

Tác dụng phụ thường gặp:
- Estrogen tại chỗ có thể gây kích ứng.
- Một số nghiên cứu cho thấy nó ít tác dụng phụ hơn estrogen uống, nhưng vẫn có nguy cơ ung thư, đột quỵ, đau tim.
OnabotulinumtoxinA (Botox)
OnabotulinumtoxinA (Botox) là một loại protein có nguồn gốc từ vi khuẩn uốn ván, được sử dụng trong điều trị tiểu đêm mất kiểm soát nghiêm trọng.

Giống như thuốc kháng cholinergic, Botox ngăn chặn acetylcholine để giảm co thắt bàng quang. Đồng thời, thuốc cũng làm tê liệt một phần cơ bàng quang, giúp kiểm soát chứng tiểu đêm nhiều.
Rủi ro tiềm ẩn:
- Bí tiểu, tê liệt bàng quang, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền.
- Trong một số trường hợp, người bệnh cần đặt ống thông tiểu để thoát nước tiểu nếu gặp biến chứng.
Lưu ý: Việc sử dụng Botox cần được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Thuốc lợi tiểu
Nhóm thuốc lợi tiểu quai (như furosemide) có thể được sử dụng trong điều trị tiểu đêm nhiều lần. Chúng hoạt động bằng cách làm tăng lượng nước tiểu vào bạn ngày giúp cơ thể hạn chế sản xuất nước tiểu vào ban đêm, từ đó giảm số lần thức dậy đi tiểu.
Mặc dù chưa được cấp phép chính thức cho mục đích này nhưng thuốc vẫn có thể được bác sĩ kê đơn trong một số trường hợp nếu lợi ích mang lại cao hơn rủi ro.

Tác dụng phụ thường gặp:
- Phát ban, tiêu chảy, táo bón, đau dạ dày.
- Chóng mặt, cảm giác xây xẩm, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc họng.
Hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn gặp một trong các vấn đề dưới đây:
- U tai hoặc giảm thính lực
- Đau dạ dày nghiêm trọng, buồn nôn và nôn
- Đau ngực, ho, sốt, khó thở
- Da tái, tím bầm, chảy máu bất thường
- Nhịp tim không đều, khó chịu ở chân, yếu cơ
- Sưng phù, đi tiểu ít hơn bình thường hoặc không đi tiểu…
Thuốc chặn Alpha
Đây là nhóm thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đêm nhiều lần gây ra bởi bệnh phì đại tuyến tiền liệt lành tính.
Thuốc hoạt động bằng cách làm giãn các cơ của tuyến tiền liệt và cổ bàng quang, từ đó giúp cải thiện dòng chảy nước tiểu, làm giảm các triệu chứng của bệnh phì đại tuyến tiền liệt, bao gồm: tiểu đêm nhiều lần, bí tiểu, tiểu không hết,…

Một số loại thuốc chặn alpha thường được kê đơn:
- Alfuzosin (Uroxatral)
- Terazosin (Hytrin)
- Doxazosin (Cardura)
- Silodosin (Rapaflo)
- Tamsasmin (Flomax)
Tác dụng phụ thường gặp:
- Mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, huyết áp thấp.
- Xuất tinh ngược (tinh dịch đi ngược vào bàng quang thay vì ra ngoài).
Lưu ý: Thuốc chặn alpha có thể làm ảnh hưởng đến huyết áp, cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để tránh rủi ro.
Các chất ức chế 5-Alpha Reductase (5-ARI)
Thuốc có khả năng thu nhỏ kích thước tuyến tiền liệt, giúp cải thiện lưu lượng nước tiểu, đồng thời làm giảm các triệu chứng như tiểu đêm, tiểu nhiều lần, tiểu dắt, bí tiểu…
Hiệu quả của thuốc có thể nhận thấy từ 3 – 6 tháng.
Các loại thuốc phổ biến:
- Finasteride (Proscar, Propecia)
- Dutasteride (Avodart)
- Dutasteride / Tamsulosin (Jalyn)
Tác dụng phụ thường gặp:
- Giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương.
- Tăng kích thước vú nhẹ, đau nhức vùng ngực.
- Giảm kháng nguyên PSA, có thể ảnh hưởng đến xét nghiệm phát hiện ung thư tuyến tiền liệt.
Thuốc cần được sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý nam giới.
Các chất ức chế Phosphodiesterase-5 (PDE-5)
PDE-5 được sử dụng chủ yếu để điều trị rối loạn cương dương, nhưng cũng có tác dụng giảm triệu chứng tiểu đêm do phì đại tuyến tiền liệt. Chúng hoạt động bằng cách làm trơn các cơ ở bàng quang và tuyến tiền liệt, qua đó cải thiện dòng chảy nước tiểu.
Thuốc uống theo đường miệng, bác sĩ có thể kê toa liều thấp và bạn uống thuốc hằng ngày.
Tác dụng phụ phổ biến:
- Đau lưng, nhức đầu, đau cơ.
- Cảm giác như cảm cúm, khó tiêu, ảnh hưởng thị lực.
Lưu ý quan trọng:
- Không dùng chung với thuốc nitrat trị bệnh tim vì có thể gây hạ huyết áp nghiêm trọng.
- Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm được sử dụng để điều trị trầm cảm, tuy nhiên nó cũng có thể giúp giảm triệu chứng của bàng quang hoạt động quá mức, nguyên nhân gây tiểu đêm nhiều lần.
Thuốc chống trầm cảm sẽ được kê nếucác thuốc điều trị khác không hiệu quả hoặc không thể sử dụng. Mặc dù FDA không phê duyệt việc sử dụng thuốc chống trầm cảm để điều trị bàng quang hoạt động quá mức nhưng bác sĩ có thể kê đơn ngoài nhãn.
Một số loại thuốc thường được kê đơn: Desipramine, imipramine.
Tác dụng phụ thường gặp:
- Buồn ngủ
- Mệt mỏi
- Lo lắng
- Giảm ham muốn tình dục
- .v.v.
Lưu ý khi dùng thuốc trị tiểu đêm
Khi dùng thuốc trị tiểu đêm người bạn cần lưu ý:
☛ Trước khi dùng thuốc
- Các loại thuốc điều trị tiểu đêm đều là các loại thuốc kê đơn, người bệnh không nên tự ý mua và sử dụng, tránh những tác dụng phụ nguy hiểm.
- Thông báo cho bác sĩ về tình trạng dị ứng, bệnh lý gan, thận, dạ dày… nếu có và thuốc đang dùng để được tư vấn phù hợp.
☛ Khi có đơn thuốc
- Đọc kỹ hướng dẫn, hỏi bác sĩ nếu có thắc mắc.
- Kiểm tra xem thuốc có ảnh hưởng đến thuốc, vitamin, thực phẩm chức năng khác không.
- Nếu bạn gặp khó khăn về vấn đề uống thuốc, có thể hỏi bác sĩ về cách bẻ hoặc nghiền thuốc.
- Hỏi về việc bảo quản thuốc, bởi một số loại thuốc cần để trong tủ lạnh.

☛ Trong quá trình dùng thuốc
Để sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả, bạn nên tuân thủ theo một số lời khuyên dưới đây:
- Uống đúng liều, đúng giờ, không tự ý tăng liều vì có thể gây tác dụng ngược.
- Kiểm tra thuốc trước khi uống để đảm bảo uống đúng loại thuốc cần thiết.
- Không tự ý dừng thuốc, nên dùng hết đơn thuốc theo chỉ định.
- Không trao đổi hoặc dùng đơn thuốc của người khác.
- Thông báo ngay cho bác sĩ nếu gặp tác dụng phụ trong quá trình sử dụng.
Trên đây là một số loại thuốc điều trị tiểu đêm, mỗi loại phù hợp với từng nguyên nhân khác nhau. Danh sách này không đầy đủ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc khác tùy theo tình trạng cụ thể của bạn.
*Bài viết trên chỉ mang tính chất tìm hiểu thông tin và không thay thế cho bất kì chẩn đoán chuyên nghiệp nào.