Bệnh đái rắt khiến người bệnh đi tiểu nhiều lần nhưng mỗi lần chỉ một lượng rất ít, gây khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt. Thậm chí, vừa đi xong đã muốn đi tiếp. Vậy nguyên nhân do đâu? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Dấu hiệu nhận biết đái rắt
Thông thường, một người sẽ đi tiểu khoảng 5 – 6 lần/ngày và ít tiểu về đêm. Tuy nhiên, đái rắt khiến tần suất đi tiểu tăng lên, có thể tới 10 – 20 lần/ngày, đặc biệt là vào ban đêm.
Người bệnh thường có cảm giác buồn tiểu đột ngột, khó trì hoãn, thậm chí tiểu són do không thể kiểm soát. Đa phần sẽ cảm thấy mót tiểu khẩn cấp, tiểu nhiều lần, một số trường hợp còn mất khả năng kìm giữ hoàn toàn.
Các nguyên nhân gây chứng đái rắt
Đái rắt xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể chia thành hai loại chính là sinh lý và bệnh lý.
Nguyên nhân do sinh lý
Đái rắt có thể xuất phát từ những nguyên nhân sinh lý như:
- Mất nước: Cơ thể mất nước do đổ mồ hôi nhiều khi vận động mạnh hoặc sốt cao, làm hệ tiết niệu hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến đái rắt.
- Vệ sinh không sạch: Vệ sinh kém, đặc biệt sau khi quan hệ hoặc dùng dung dịch vệ sinh có độ axit cao lâu ngày, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập niệu đạo, gây viêm nhiễm và đái rắt.
- Mang thai: Thai nhi phát triển chèn ép bàng quang và niệu đạo, gây áp lực lên đường tiết niệu, đặc biệt rõ rệt vào những tháng cuối thai kỳ.
- Nhịn tiểu thường xuyên: Khi nước tiểu bị giữ lại lâu, vi khuẩn có cơ hội phát triển, gây viêm nhiễm đường tiết niệu và dẫn đến đái rắt.
- Chế độ ăn uống không khoa học: Thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, rượu bia và chất kích thích có thể kích thích bàng quang, làm tăng tần suất đi tiểu.
- Căng thẳng kéo dài: Stress ảnh hưởng đến hormone, làm thay đổi chức năng bài tiết, khiến cơ thể đào thải nước nhanh hơn, dẫn đến đái rắt.

Nguyên nhân do bệnh lý
Một số bệnh lý có thể làm xuất hiện tình trạng đái rắt như:
- U xơ tuyến tiền liệt: Là nguyên nhân hàng đầu gây đái rắt ở nam giới. Khối u xơ phát triển chèn ép bàng quang, gây rối loạn tiểu tiện. Nếu kéo dài, vi khuẩn có thể phát triển, dẫn đến viêm đường tiết niệu.
- U xơ tử cung: Ở phụ nữ, đặc biệt trong độ tuổi sinh sản, u xơ tử cung có thể chèn ép bàng quang, gây đái rắt. Đây là khối u lành tính nhưng khi phát triển lớn có thể ảnh hưởng đến chức năng tiểu tiện.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm đường tiết niệu, dẫn đến đái rắt kèm cảm giác nóng rát, ngứa ngáy.
- Sỏi thận: Sỏi thận không trực tiếp gây đái rắt nhưng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây nhiễm trùng đường tiểu và dẫn đến tiểu rắt.
- Viêm bàng quang: Thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, do vi khuẩn xâm nhập qua niệu đạo vào bàng quang. Viêm bàng quang gây tiểu rắt, tiểu buốt và khó chịu.
- Ung thư tuyến tiền liệt: Ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng, nhưng khi khối u phát triển, người bệnh có thể gặp rối loạn tiểu tiện, trong đó có đái rắt.
Viêm bàng quang là nguyên nhân gây đái rắt
Phòng ngừa đái rắt bằng cách nào?
Để phòng ngừa tình trạng đái rắt, ta có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Uống nước đủ và đúng cách: Duy trì lượng nước khoảng 2 lít/ngày, tránh uống quá nhiều hoặc quá ít. Hạn chế uống nước vào buổi tối để tránh tiểu đêm.
- Hạn chế thực phẩm kích thích bàng quang: Tránh bia rượu, cà phê, nước ngọt có gas, thực phẩm cay nóng và chứa nhiều axit (cam, chanh, cà chua…).
- Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây: Các thực phẩm rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt… có thể cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa, ngăn táo bón và giảm áp lực lên bàng quang.
- Không nhịn tiểu: Nhịn tiểu quá lâu có thể làm suy yếu chức năng bàng quang và tăng nguy cơ viêm nhiễm đường tiết niệu.
- Tập luyện kiểm soát bàng quang: Tạo thói quen đi tiểu đúng giờ, hạn chế tiểu quá thường xuyên hoặc quá ít.
- Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Đặc biệt là vùng kín, tránh sử dụng dung dịch vệ sinh có chất tẩy rửa mạnh gây mất cân bằng vi khuẩn.
- Vận động thường xuyên: Tăng cường tuần hoàn máu, giảm nguy cơ viêm nhiễm đường tiết niệu. Có thể kết hợp các bài tập kegel, bài tập cho bàng quang…
- Kiểm soát căng thẳng: Stress kéo dài có thể ảnh hưởng đến hoạt động của bàng quang, do đó duy trì tâm lý thoải mái cũng giúp hỗ trợ cải thiện, phòng ngừa chứng đái rắt.
Ngoài ra, cần thường xuyên theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang, u xơ tử cung hoặc tuyến tiền liệt… nên đi khám sớm để có hướng điều trị kịp thời, tránh biến chứng gây đái rắt và làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Kết luận:
Đái rắt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc xác định chính xác căn nguyên là rất quan trọng để có hướng xử lý phù hợp. Nếu bị đái rắt kéo dài, kèm theo các triệu chứng bất thường khác như tiểu buốt, đau bụng dưới hoặc tiểu ra máu, bạn nên thăm khám bác sĩ sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm. Đồng thời, duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học và giữ vệ sinh cá nhân tốt sẽ giúp phòng ngừa và giảm nguy cơ mắc chứng đái rắt hiệu quả.
Em bị tiểu rắt khi ngủ dậy vậy có sao k ạ
Chào bạn Hậu,
Bạn có các triệu chứng trên diễn ra lâu chưa? Ngoài tiểu rắt, bạn có kèm theo các triệu chứng khác như tiểu buốt, tiểu rát, tiểu nhiều lần hay màu nước tiểu bất thường không bạn? Hiện các triệu chứng bạn cung cấp vẫn chưa điển hình và chưa đủ cơ sở để xác định nguyên nhân dẫn tới tình trạng bệnh.
Do đó trong trường này, bạn cần sắp xếp thời gian đi khám để được chẩn đoán 1 cách chính xác và điều trị hợp lý.
Hoặc bạn có thể liên hệ tổng đài miễn cước 18001258 để được tư vấn trực tiếp nhé!
Cảm ơn bạn, chúc bạn sức khỏe!
Trước khi đi ngủ buổi tối mình thuòng đi tiểu nhiều lần, tiểu rắt. Vừa đi xong lại muốn đi nhờ tư vấn giúp
Chào anh Cao,
Theo những thông tin anh cung cấp, rất có thể hiện anh đang có dấu hiệu Hội chứng bàng quang kích thích, nguyên nhân chủ yếu do yếu tố hệ thần kinh bàng quang nhạy cảm, bị kích thích quá mức gây ra các phản xạ co bóp bàng quang bất thường, làm gia tăng số lần đi tiểu. Anh nên sắp xếp thời gian đi khám kiểm tra để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị chính xác anh nhé!
Để được hỗ trợ thêm, anh vui lòng liên hệ tổng đài miễn cước 18001258 để được tư vấn trực tiếp anh nhé!
Cảm ơn anh, chúc anh sức khỏe!
Tôi đi tiểu xong thường hay bị són tiểu rất khó chịu mong được ad tư vấn giúp. Cảm ơn
Chào anh Trương,
Hiện tượng đi tiểu không hết (tiểu són) là do việc bài xuất nước tiểu ra khỏi bàng quang không triệt để. Những nguyên nhân gây ra hiện tượng này có thể là:
Bệnh về tuyến tiền liệt như viêm tuyến tiền liệt, u xơ tuyến tiền liệt…
Sỏi ở bàng quang hoặc niệu đạo
Sau chấn thương niệu đạo
Chít hẹp niệu đạo sau chấn thương hoặc do viêm nhiễm
Đôi khi chỉ do yếu tố tâm lý, hệ thần kinh kích thích quá mức dẫn tới các phản xạ co bóp bàng quang bất thường.
Để chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị hợp lý, anh nên sắp xếp thời gian đi khám kiểm tra tại các cơ sở y tế uy tín.
Để được hỗ trợ thêm, anh vui lòng liên hệ tổng đài miễn cước 18001258 để được tư vấn trực tiếp anh nhé!
Cảm ơn anh, chúc anh sức khỏe!
Hai hôm nay mình thấy hiện tượng lạ, mình vừa đi tiểu xong lại nghe buồn tiểu, mỗi lần đi tiểu lại tiểu rất ít. Buồn tiểu nhưng lại ko đến nỗi mất kiểm soát. Cũng k tiểu nhiều lần về đêm. Chỉ là tiểu xong lại có cảm giác buồn tiểu ngay. Không biết là mình đang bị gì. Mong chuyên gia tư vấn giúp. Mình cảm ơn nhiều.
Chào chị Phương,
Tiểu nhiều, tiểu rắt, tiểu không hết, mót tiểu liên tục có thể do nhiều nguyên nhân, có thể do nóng trong, bị kích thích bàng quang, hoặc bệnh lý liên quan hệ tiết niệu như: viêm đường tiết niệu, sỏi tiết niệu… Trước mắt, chị chú ý uống đủ 2 lít nước hàng ngày, ăn nhiều đồ mát, hạn chế ăn đồ cay nóng, bổ sung các nước mát như: râu ngô, mã đề, nước dừa, cam… theo dõi 1 vài ngày. Nếu các triệu chứng vẫn không cải thiện hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường khác như: tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu đục, tiểu máu hoặc màu nước tiểu bất thường, chị nên đi khám kiểm tra để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị chính xác.
Nếu cần tư vấn thêm, chị vui lòng liên hệ tổng đài miễn cước 18001258 (trong giờ hành chính) để nhận tư vấn trực tiếp chị nhé!
Chúc chị và gia đình sức khỏe!
Em bị đái rắt buốt, đi tiểu nhiều lần trong ngày, mỗi lần đi xong lại muốn đi nữa xin hỏi em bị bệnh gì ? Phương pháp điều trị ntn ạ ?
Chào bạn Lượng,
Theo những thông tin bạn cung cấp, rất có thể hiện bạn đang có dấu hiệu viêm đường tiết niệu bạn nhé! Nguyên nhân chủ yếu do yếu tố cơ địa nóng trong và tình trạng nhiễm khuẩn ngược dòng gây ra các tổn thương trên niêm mạc đường tiểu, làm xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiểu tiện như tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều lần, hoặc màu nước tiểu bất thường. Do đó trong trường này bạn cần sắp xếp thời gian đi khám để được chẩn đoán 1 cách chính xác và điều trị hợp lý bạn nhé! Ngoài ra, bạn nên chú ý uống nhiều nước hàng ngày, ăn nhiều đồ mát, bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả, hạn chế ăn đồ nóng, chú ý chế độ vệ sinh cá nhân để tình trạng bệnh sớm ổn định nhé!
Để được hỗ trợ thêm, bạn vui lòng liên hệ tổng đài miễn cước 18001258 để được tư vấn trực tiếp bạn nhé!
Cảm ơn bạn, chúc bạn sức khỏe!